• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quá nhiều cuộc thi, phong trào làm khổ giáo viên và học sinh

Báo Lao Động giới thiệu bài viết của thầy Nguyễn Văn Lực, nguyên giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hòa, sau hơn 37 năm gắn bó với nghề.

Quá nhiều cuộc thi, phong trào làm khổ giáo viên và học sinh

Đối với nhiều thầy cô giáo, học trò hiểu bài mới quan trọng, chứ không phải là danh hiệu "giáo viên giỏi". Ảnh: Vân Trang

Hàng chục phong trào, cuộc thi lớn nhỏ mỗi năm

Năm học mới bắt đầu, cũng là lúc giáo viên, học sinh sắp lần lượt tham gia vào các phong trào, cuộc thi lớn nhỏ. Thử kể sơ qua thì cũng có ít nhất hơn chục phong trào, cuộc thi đều đặn diễn ra hàng năm trong trường học như cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi học sinh giỏi, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, viết thư UPU, vẽ tranh phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, làm đồ dùng dạy học...

Ngoài ra, còn phong trào "Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực", "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", các cuộc thi giải toán qua mạng, thi tiếng Anh qua mạng, giải toán bằng tiếng Anh, thi hùng biện tiếng Anh, Luật Hôn nhân gia đình...

Phong trào, cuộc thi nào cũng tốn nhiều thời gian của giáo viên, học sinh, nhưng nếu trường, giáo viên không tham gia thì bị phê bình và trừ điểm thi đua. Trong khi đó, hiệu quả của các kỳ thi này chưa được đánh giá cụ thể.

Việc thi giáo viên dạy giỏi sẽ không có gì đáng nói nếu không làm giáo viên lo âu mất ăn, mất ngủ, áp lực... chỉ vì danh hiệu, thành tích của nhà trường, của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Khổ sở khi thi giáo viên giỏi

Là giáo viên dạy Lịch sử - Giáo dục công dân Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa), từng được trường chọn đi thi giáo viên dạy giỏi huyện, tỉnh, đến nay đã 22 năm rồi, tôi vẫn không sao quên được hành trình khi ấy.

Bắt đầu hành trình là tham gia Hội giảng giáo viên giỏi trường trong tháng 10. Nhiều đồng nghiệp than thở thi ở trường có khi còn gay go hơn thi huyện, tỉnh vì cá nhân tự lo cho tiết dạy của mình mà không có sự trợ giúp nào. Vượt qua cấp trường, Ban giám hiệu chọn "gà" đi thi đấu huyện. Giáo viên chúng tôi nói đùa là "chọn mặt gửi vàng" để "đem chuông đi đánh xứ người".

Tôi mất ăn, mất ngủ để chuẩn bị cho tiết dạy của mình. Nào là giáo án, tranh ảnh, đồ dùng dạy học..., rồi dạy thử vài ba lần để đồng nghiệp trong nhóm, tổ, ban giám hiệu dự giờ góp ý chỉnh đi sửa lại không biết bao nhiêu lần nữa.

Còn hiện nay theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung thi giáo viên dạy giỏi gồm có: Thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi (bốc thăm); Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc, thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút,

Giáo viên đi thi như là diễn viên, còn kịch bản, đạo diễn là tổ, Ban giám hiệu xây dựng. Tiếp đến, nếu được chọn đi thi giáo viên giỏi cấp tỉnh thì trình tự lại được chuyển giao: Tổ nghiệp vụ Phòng Giáo dục dự giờ dạy thử, góp ý cũng năm lần bảy lượt rồi chờ ngày lên đường thi đấu.

Giáo viên đi thi khổ đã đành, còn giáo viên không được chọn đi thi cũng khổ không kém, khi phải dạy thay, giữ lớp. Còn học sinh thì sao? Để phục vụ cho thầy cô dạy thử tiết đi thi huyện, tỉnh, nhà trường điều động các lớp tham gia, đổi tiết, đổi giờ, đổi xuất, dạy thay, dạy thử nghiệm phương pháp này phương pháp khác..., gây nhiều xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. Ở một số trường, Ban giám hiệu còn cho giáo viên nghỉ dạy để tập trung vào việc đầu tư cho tiết dạy đi thi, dẫn đến học sinh mất bài, mất tiết, chất lượng học tập bị ảnh hưởng.

Ngày 20.12.2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông với nguyên tắc: “Dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi”;…

Khi biết quy định này, giáo viên chúng tôi thật hoan hỉ vì được cởi trói trong việc thi giáo viên giỏi. Hơn nữa, đây cũng là liều thuốc chữa căn bệnh thành tích, hình thức đã tồn tại quá lâu trong ngành giáo dục.

Chúng tôi cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh các phong trào, cuộc thi để việc dạy - học đi vào chất lượng thực chất, chứ không còn là hình thức, thành tích, áp lực mà làm khổ giáo viên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết