Ninh Bình kiểm tra đột xuất thu chi trong trường học
Sở GD&ĐT Ninh Bình đã kiểm tra đột xuất các khoản thu chi ngoài ngân sách, quản lý, sử dụng thiết bị dạy học, tài liệu giáo dục trường học.
Ảnh minh họa |
Theo Sở GD&ĐT Ninh Bình, Sở đã tiến hành kiểm tra đột xuất 9 cơ sở giáo dục (MN 1, TH 4, THCS 4); Kết quả ban đầu cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với các khoản thu chi ngoài ngân sách từ đầu năm học 2022-2023 các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch thực hiện các khoản thu chi và thông qua trong các cuộc họp của Ban chi ủy, Ban giám hiệu, hội đồng trường và thông báo cho cha mẹ học sinh nhà trường được biết.
Một số các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc huy động tài trợ, tiếp nhận kinh phí, hiện vật do các cá nhân, tổ chức ủng hộ, tài trợ để tăng cường kinh phí mua sắm thiết bị dạy học và sửa chữa xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các nhà trường trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục còn thấp.
Khi thực hiện công tác vận động tài trợ, các cơ sở giáo dục đã báo cáo về chủ trương với cấp ủy chính quyền địa phương; một số cơ sở giáo dục được phòng GD&ĐT phê duyệt kế hoạch vận động tài 2 trợ, ủng hộ bằng văn bản.
Tổ chức họp Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp để thông báo các khoản thu theo quy định, các khoản thu của các tổ chức; thỏa thuận, thống nhất các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục; tuyên truyền, phổ biến, kêu gọi cha mẹ học sinh đóng góp các khoản tự nguyện.
Một số cơ sở giáo dục đã thực hiện các khoản thu thỏa thuận để phục vụ trực tiếp cho trẻ, học sinh khá tốt, lập dự toán sử dụng nguồn kinh phí theo quy định. Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục được triển khai đều không vượt mức tối đa theo quy định tại Công văn 1248 của Sở GD&ĐT Ninh Bình. Một số cơ sở giáo dục thực hiện khá tốt việc công khai các khoản thu tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, học sinh và trên trang thông tin điện tử của nhà trường theo quy định...
Thiết bị dạy học ở nhiều cơ sở đã được đầu tư tối đa. |
Từ thực tế kiểm tra, Sở GD&ĐT đã kiến nghị các cơ sở giáo dục được kiểm tra phải rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, hạn chế nêu trên.
Tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền để mua sắm, bổ sung kịp thời thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2,3, lớp 6,7; mua bổ sung một số bộ sách giáo khoa cho thư 7 viện để thực hiện chương trình GDPT 2018 có chất lượng và hiệu quả.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát, xem xét thực trạng chất lượng các thiết bị, phân loại, sắp xếp khoa học thiết bị dạy học hiện có; kịp thời sửa chữa hoặc thay thế thiết bị đã hỏng để đưa thiết bị dạy học vào sử dụng; đặc biệt phải sử dụng tối đa các thiết bị dạy học hiện có, tránh tình trạng thiết bị dạy học không được đưa vào sử dụng thực hành thường xuyên mà chỉ để ở trong các phòng kho.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyệt đối không đặt ra các khoản thu trái quy định; lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh để đặt ra các khoản thu, chi không đúng, gây bức xúc trong xã hội và cha mẹ học sinh.
Chỉ đạo, kiểm tra các trường về dạy học kỹ năng sống cho học sinh và thu chi kinh phí dạy kỹ năng sống đảm bảo thiết thực, hợp lý, đúng quy định, tạo được sự đồng thuận của giáo viên và cha mẹ học sinh.
Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm về thu chi trong các cơ sở giáo dục, tránh gây bức xúc trong dư luận xã hội và cha mẹ học sinh làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành.