Những lớp học đặc biệt
Những thầy cô đặc biệt ở những lớp học đặc biệt đã miệt mài truyền thụ con chữ, kiến thức, kỹ năng... để các em học sinh có thể bước đi vững chãi hơn.
"Lớp học 0 đồng" ở phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng được tổ chức từ giữa năm 2022 và duy trì đến nay. Ban đầu, chỉ có cô Tống Thị Hiệp (giáo viên nghỉ hưu) chịu trách nhiệm đứng lớp nhưng đến nay đã kết nối được một câu lạc bộ gồm nhiều cô giáo tham gia.
Dạy học miễn phí
Ngoài việc nhận dạy học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 thuộc các hộ khó khăn trên địa bàn, "lớp học 0 đồng" còn mở rộng thêm học sinh lớp 6, với tổng cộng 25 em. Các em được dạy môn Toán, Tiếng Việt và sinh hoạt kỹ năng.
“Lớp học 0 đồng” ở phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng có 25 học sinh với nhiều hoàn cảnh khác nhau Ảnh: BÍCH VÂN
"Nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ, dạy dỗ của giáo viên, các em dần chăm chỉ học tập, giảm sử dụng điện thoại, chơi game" - cô Hiệp khoe.
Hầu hết cô giáo tham gia câu lạc bộ còn đang giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó có cô là giáo viên dạy cấp 2, có cô là giảng viên đại học. Các cô đều tham gia với tinh thần tự nguyện, với mong muốn góp sức truyền thụ tri thức, chắp đôi cánh cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Cô Phan Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, cho biết các cô giáo về hưu sẽ đảm nhận đứng lớp vào thứ năm, các cô giáo đang công tác tại các trường thì chịu trách nhiệm đứng lớp vào chủ nhật. Không chỉ dạy học miễn phí, các cô còn gom sách vở tặng các em thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
"Tham gia giảng dạy ở đây, bản thân tôi rất vui vì thấy mình làm được việc có ích. Các em cần mình, mình cũng mong các em tiến bộ mỗi ngày. Đó thật sự là niềm vui" - cô Mai bày tỏ.
Cô Phạm Thị Kim Cương, giáo viên Trường THCS Kim Đồng, là người đưa thêm nhiều học sinh vào lớp học đặc biệt này, đồng thời cũng kết nối thêm nhiều giáo viên đứng lớp. Để tham gia lớp học, cô Kim Cương phải rất cố gắng sắp xếp thời gian trong những ngày cuối tuần nhằm cân đối giữa công việc và gia đình. Thế nhưng, với cô, những khó khăn này chẳng là gì so với việc có thể giúp các em học sinh thay đổi môi trường học tập, ý thức tốt hơn về việc học.
Ngoài dạy kiến thức, các cô còn thường xuyên theo dõi sát sao, quan tâm đến đời sống, động viên tinh thần các em bởi học sinh ở đây đa phần là trẻ mồ côi, thiếu tình yêu thương của cha mẹ. "Ước mong của chúng tôi là mỗi em có thành tích học tập tốt hơn, từ đó sẽ có những bước đi vững chãi hơn trong tương lai" - cô Cương gửi gắm.
Ở "lớp học 0 đồng" này, Thiên Bảo là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khi ba bị bệnh tim, mẹ bỏ đi, em ở với ông bà nội đã già yếu. Việc học tập của Bảo trước đây gặp nhiều khó khăn nhưng từ ngày biết đến lớp học tình thương này, em đã đều đặn đến lớp.
"Các cô đã giúp đỡ em rất nhiều trong việc học tập. Em cảm thấy như có thêm điểm tựa vững chắc. Em thực sự rất cảm ơn các cô" - Bảo tâm sự.
Tình nguyện dạy kèm
Những ngày giữa tháng 11-2023, tại vùng núi tỉnh Quảng Ngãi, mưa như trút đã xé toạc nhiều con đường mòn, khiến bùn đất lầy lội, không dễ qua lại. Vậy mà cứ sau mỗi đợt mưa, nhiều thầy cô lại băng suối, lội bùn đến các bản, làng vùng cao, vùng sâu. Nhiều giáo viên không chỉ đứng lớp ban ngày mà còn dạy kèm học sinh miễn phí vào ban đêm để uốn nắn từng nét chữ, giúp các em mau tiến bộ hơn.
Chúng tôi gặp cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ngọc Huyền (quê huyện Nghĩa Hành) đang giảng dạy tại điểm trường lẻ ở thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng. Năm nay là năm thứ 11 cô tình nguyện gắn bó với điểm trường cao nhất và thuộc nhóm khó khăn nhất tỉnh này. Trải qua không ít khó khăn, nhiều lúc muốn bỏ nghề nhưng rồi cuối cùng, cô giáo trẻ lại tiếp tục đồng hành với các em học sinh miền núi Quảng Ngãi.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Huyền tận tình dạy dỗ các em học sinh ở điểm trường lẻ thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng NgãiẢnh: TỬ TRỰC
Cô Huyền cho biết đa phần các em không biết tiếng Việt, lại khá nhút nhát nên giao tiếp giữa cô và trò rất khó khăn. "Nhiều lúc tôi cũng thoáng chút nản lòng nhưng thấy các em còn nhiều vất vả, cuộc sống nghèo khó nên thương, không nỡ rời nơi này. Tôi tự động viên bản thân cố gắng kèm cặp các em nhiều hơn nữa" - cô Huyền trải lòng.
Cô Huyền cùng các giáo viên cắm bản ở điểm trường thôn Quế đã tình nguyện dạy kèm miễn phí ngoài giờ đứng lớp. Vào buổi chiều hoặc tối, giáo viên đến tận nhà hoặc kêu gọi các em đến trường để vừa dạy kiến thức vừa dạy cách ứng xử. "Cũng may là nhà các em khá gần điểm trường nên thuận tiện đi lại. Sau một thời gian, các em đã tiến bộ rất nhiều, không chỉ học tốt hơn mà giao tiếp cũng khá lên" - cô Huyền phấn khởi.
Cũng là giáo viên của điểm trường lẻ thôn Quế, thầy Mai Văn Toàn cho biết điểm trường này cách điểm trường chính hơn 60 km. Đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, nên các giáo viên cắm bản phải ở lại điểm trường lẻ - có khi cả tháng mới được về thăm nhà.
"Còn trẻ, còn sức khỏe nên tôi muốn được cống hiến công sức, trí tuệ để giúp các em học sinh ở những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Chứng kiến các em ngày càng tiến bộ, biết đọc, biết viết là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nơi đây" - thầy Toàn tâm sự.
(Còn tiếp)