Mỹ: Nhiều trường đại học hàng đầu bị kiện vì hỗ trợ tài chính
16 trường đại học hàng đầu Mỹ như Duke, Vanderbilt và Northwestern… bị cựu sinh viên kiện với cáo buộc thông đồng với nhau nhằm cắt giảm hỗ trợ tài chính đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 9/11, 5 cựu sinh viên đã đệ trình đơn kiện lên Tòa bán cấp cao bang Illinois, tố cáo 16 trường tư thục danh tiếng. Nhóm cho biết, các trường đại học này đã “tham gia vào một thỏa thuận định giá hỗ trợ tài chính để cắt giảm hoặc xóa bỏ số tiền sinh viên được chi trả”. Vì hành vi này, sinh viên được nhận hỗ trợ tài chính phải trả tiền học phí và phí sinh hoạt cao hơn thông thường.
Đơn khiếu nại được đệ trình dưới dạng đơn tập thể, thay mặt cho tất cả sinh viên trong nước lẫn quốc tế tại Mỹ đã trả học phí, chi phí ăn, ở tại 16 trường đại học danh tiếng từ năm 2003 đến nay.
Trong đó, 9 trường đại học gồm: Trường Đại học Columbia, Dartmouth, Duke, Georgetown, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Northwestern, Notre Dame, Pennsylvania và Vanderbilt… đã đưa ra quyết định tuyển sinh dựa trên hoàn cảnh tài chính của sinh viên và gia đình, gây bất lợi cho những người thực sự cần hỗ trợ tài chính.
Theo quy định về chính sách tuyển sinh, hội đồng tuyển sinh sẽ không dựa trên tài chính, hoàn cảnh kinh tế hay khả năng chi trả của ứng viên để quyết định các em có phù hợp hay không. Nhưng trên thực tế, 9 trường trên đã coi khả năng chi trả chi phí học tập là yếu tố chính để đưa ra quyết định trúng tuyển hay không.
7 trường đại học khác gồm: Trường Đại học Brown, Chicago, Cornell, Emory, Rice, Yale và Viện Công nghệ California (Caltech) bị cáo buộc đã không tuân thủ các chính sách tuyển sinh, âm thầm liên kết với các trường bị kiện khác để tuyển chọn ứng viên dựa trên khả năng tài chính. Các trường cũng cùng nhau cắt giảm số tiền hỗ trợ tài chính mà họ cam kết cung cấp cho các sinh viên trúng tuyển.
Đơn kiện xoay quanh việc áp dụng điều 568 trong Đạo luật Cải thiện Trường học của Mỹ năm 1994. Theo đó, các cơ sở giáo dục được hợp tác đưa ra công thức tính mức hỗ trợ tài chính nếu họ không xem xét yếu tố tài chính của thí sinh khi xét tuyển. Các nguyên đơn hy vọng toà ra lệnh cấm vĩnh viễn hành vi trường tư thục “bắt tay”, đồng thời xác định mức thiệt hại, bồi thường để trình tại toà án.
Trước thông tin về đơn khiếu nại, Trường Đại học Yale khẳng định, chính sách hỗ trợ tài chính của nhà trường tuân thủ 100% các luật hiện hành. Trong khi Viện Công nghệ California thông tin trường đang nghiên cứu vụ kiện, không đưa ra bình luận cụ thể. Tuy nhiên, nhà trường khẳng định tin tưởng vào công tác hỗ trợ tài chính của mình.
“Chúng tôi đang xem xét hồ sơ và sẽ trả lời trước tòa trong thời gian thích hợp” là phản hồi của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trước sự việc trên.