• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

15 năm khám phá vẻ đẹp lụa truyền thống

Tháng 5/2025, họa sĩ Nguyễn Thu Hương tiếp tục mở triển lãm mang tên 'Hương của lụa' như một cách tái khẳng định vẻ đẹp lụa truyền thống.

Tranh lụa của Nguyễn Thu Hương với độ mỏng manh vô cùng tinh tế, dịu dàng.
Tranh lụa của Nguyễn Thu Hương với độ mỏng manh vô cùng tinh tế, dịu dàng.

Sau 15 năm trung thành với chất liệu lụa, có cho mình 3 triển lãm cá nhân về chủ đề lụa. Trong tháng 5/2025, họa sĩ Nguyễn Thu Hương tiếp tục mở triển lãm mang tên “Hương của lụa” như một cách tái khẳng định vẻ đẹp lụa truyền thống.

Làn hương nữ tính trong tranh lụa

Sau triển lãm mang tên “Lụa của Hương” diễn ra vào cuối 2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, “Hương Lụa” năm 2021, “Hương” năm 2022 tại TPHCM; từ ngày 11/5 - 12/6, triển lãm “Hương của lụa” diễn ra tại Eight gallery (TPHCM) và ra mắt tập sách mỹ thuật cùng tên dày 146 trang do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn biên soạn.

Sau quá trình sáng tạo với sơn dầu và sơn mài, nhất là sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2012, Nguyễn Thu Hương liên tục gây ấn tượng với những tác phẩm lụa mang đậm dấu ấn cá nhân. Cô nhận ra lụa mới thực hợp với mình và lựa chọn vẽ trên lụa tơ tằm tự nhiên, như một cách khẳng định giá trị truyền thống.

So với sơn dầu, lụa có trước và đồng thời mang đặc trưng Việt Nam chỉ sau sơn mài. Tuy nhiên, vẽ lụa không dễ nếu không muốn nói rất khó. Cũng vì độ khó của lụa mà ngày càng ít họa sĩ chọn lụa và gắn bó với lụa như một chất liệu chính trong sự nghiệp sáng tạo.

Những bức tranh lụa tuyệt đẹp của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã trở thành những đặc trưng của mỹ thuật phương Đông. Tuy nhiên, từ sau thế hệ Nguyễn Phan Chánh, hội họa Việt Nam không có nhiều người thực sự đi đường dài với lụa. Cũng chính bởi sự hiếm ấy, mà mỗi khi một triển lãm về lụa được tổ chức, công chúng sẽ hồi hộp khám phá vẻ đẹp của lụa lẫn phong cách, tính cách và sự nhẫn nại của người vẽ.

Sau hơn 15 năm gắn bó với lụa, Nguyễn Thu Hương đã thể hiện sự trong trẻo, thuần khiết nhưng đầy nội lực. Dù là thứ hội họa giàu nữ tính, đến mức dù không biết tác giả những bức tranh ấy là phụ nữ thì người xem vẫn cảm nhận được làn hương nữ tính như tràn ngập không gian trưng bày.

Sau 3 triển lãm cá nhân, công chúng yêu hội họa đã cảm nhận rõ điều này khi mỗi bức tranh của Nguyễn Thu Hương đều mang vẻ đẹp nữ tính, gợi cảm. Đặc biệt trong 28 bức tranh lụa trong triển lãm “Hương lụa” diễn ra vào năm 2021 chính là một cuộc đối thoại, hay chính xác hơn là một cuộc chơi của nữ nghệ sĩ am hiểu lụa, yêu lụa và biết tâm tình với lụa truyền thống theo cách rất đặc biệt.

"Tôi vẫn giữ lối vẽ truyền thống, sử dụng màu nước trên lụa, vuốt lụa, vẽ lúc khô xen với khi lụa ẩm, chồng nhiều lớp màu để tạo ra một màu mới. Thỉnh thoảng tôi cũng làm loang nhòe và biểu giấy dó phía sau tranh. Lụa tôi vẽ là chất liệ̂u lụa tơ tằm 100% của Việ̂t Nam, được dệ̂t thủ công từ nhữ̃ng người thợ lâu năm. Trong con kén, lớp ngoài cùng gọi là sồi, lớp giữa là lớp tơ nõn mới chuẩn lụa dệt để vẽ”, họa sĩ Nguyễn Thu Hương chia sẻ.

Các chuyên gia thẩm định, giới phê bình, nhà sưu tầm đánh giá cao các tác phẩm hội họa tranh lụa của Nguyễn Thu Hương, khi cô thổi hơi thở đương đại vào chất liệu truyền thồng. Đó là tính trang trí trong các tác phẩm được lưu tâm phân bố hài hòa giữa các mảng hình, màu, nét và khoảng trống.

15-nam-kham-pha-ve-dep-lua-truyen-thong.jpg

Lụa của Nguyễn Thu Hương được đánh giá dùng nhiều kỹ thuật đồ họa.

Không ngừng nghi ngờ để tìm kiếm cái đẹp

Khác với các trưng bày trước, triển lãm cá nhân lần thứ tư của họa sĩ Nguyễn Thu Hương kèm việc ra mắt tập sách mỹ thuật “Hương của lụa” do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn biên soạn.

Tranh lụa của Nguyễn Thu Hương gợi nhớ đến tên một chất liệu có thể mang âm hưởng điêu khắc, vốn xa lạ với sự mềm mại mong manh. Khác hẳn các tác phẩm lụa vẽ người nữ khỏa thân của các họa sĩ nam mà sự trình diễn nỗi khát khao cái đẹp cùng yếu tố phồn thực là cung bậc chủ đạo, lụa của Hương không tận dụng sự óng ả để đặc tả làn da cũng như không làm loang màu để đổ dài những mái tóc mây, hầu như các nét hấp dẫn của cơ thể người nữ đều lẩn khuất trong các hoa văn trang trí.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương cho biết: “Chủ đề phụ nữ xuyên suốt trong các sáng tác của tôi. Bên cạnh những biểu hiện nữ tính, tôi muốn người xem có cảm giác chất liệu lụa của bức tranh như lan tỏa đâu đó trong không gian”.

Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn phân tích: “Hương không ghi lại những ấn tượng ngoại cảnh, mà là những hoa lá của thế giới nội tâm được khai triển theo một cách rất riêng, và họa sĩ tiếp tục trung thành con đường riêng ấy với những biến thể phong phú của hình họa, bố cục và bảng màu qua từng giai đoạn.

Tranh lụa của Hương là thứ hội họa giàu nữ tính, gợi nhớ đến tên, hoặc chất liệu có thể mang âm hưởng điêu khắc vốn xa lạ với sự mềm mại mong manh. Nhưng các bức tranh hút mắt nhất của Hương luôn thể hiện những âm vực gợi cảm nhất của hình họa cũng như chất liệu. Có thể nói rằng tranh lụa của Nguyễn Thu Hương là một hòa âm của tâm hồn người nữ hiện đại nhưng kín đáo, e lệ mà vẫn mạnh mẽ và tình tứ”.

Cũng như một số họa sĩ vẽ lụa đương đại, lụa của Nguyễn Thu Hương dùng nhiều kỹ thuật đồ họa, một nỗ lực muốn dứt khỏi những đặc trưng của hội họa tả thực với không gian ba chiều. Chất liệu lụa vốn mang theo nó nỗi ám ảnh về sự mong manh mơ hồ cùng cách vẽ nhòe loang đã được cải biến một cách rõ rệt bằng những đường viên đậm nét của hình và những mảng màu đơn sắc.

Hành trình 15 năm khám phá vẻ đẹp của lụa, nhưng chính họa sĩ cũng luôn nghi ngờ và hoài nghi về bản thân trong quá trình làm nghệ thuật. “Sự hấp dẫn của nghệ thuật là sự tìm kiếm cái đẹp không bao giờ hết, đôi lúc nghi ngờ khả năng của mình, băn khoăn vì không nói hết được những điều cảm thấy, và cứ như vậy các bức tranh ra đời”, họa sĩ Nguyễn Thu Hương chia sẻ.

“Bằng những thao tác thủ công như bện, tết, thắt nơ, buộc... là những điều mới mẻ khiến tôi muốn thử khám phá lụa nhiều hơn. Tôi tách sợi lụa rồi bện, tết, thắt chúng lại ở vị trí có chủ đích trong ý đồ bố cục và điểm nhấn. Những thể nghiệm này không chỉ tạo một bề mặt mới mẻ cho tranh lụa, nó còn là sự bứt phá khỏi không gian hai chiều cố hữu, tăng cảm nhận về chất liệu cả trên phương diện thị giác và vật chất”, họa sĩ Nguyễn Thu Hương cho biết.


Nguồn:https://giaoducthoidai.vn/15-nam-kham-pha-ve-dep-lua-truyen-thong-post730360.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...