• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học song bằng được 1 kỳ thì bỏ, sinh viên cần cân nhắc trước khi đăng ký

Khi học song bằng, không ít sinh viên rơi vào trạng thái áp lực, mông lung và buộc phải dừng lại khi việc học còn dang dở. Do đó, cần nghiêm túc cân nhắc trước khi thực hiện việc đăng ký học theo cách này.

Học song bằng được 1 kỳ thì bỏ, sinh viên cần cân nhắc trước khi đăng ký

Sinh viên cần cân nhắc kỹ nhiều yếu tố trước khi quyết định học song bằng. Ảnh minh họa: Tường Vân.

Học được 1 kỳ thì bỏ

Muốn có cơ hội nghề nghiệp rộng mở, Nguyễn Thị Hạnh (SN 1999, Hải Dương) đăng ký học song bằng chuyên ngành Báo chí khi đang ở đầu năm thứ 4 đại học. Lúc này, Nguyễn Hạnh đang học chuyên ngành Kinh tế Chính trị - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Thời gian đi học chồng chéo, khó sắp xếp lịch học giữa hai ngành với nhau khiến Nguyễn Hạnh áp lực. Cùng lúc đó, Nguyễn Hạnh đi tìm được việc làm tại công ty về công nghệ, công việc chính của chị là nhân viên tuyển dụng. Mức lương khởi điểm là 8,5 triệu đồng/tháng khiến chị không khỏi mừng rỡ.

Vừa đi học bằng chính, vừa đi làm khiến Hạnh càng loay hoay không biết nên làm sao để cân đối thời gian hợp lí. “Tôi quyết định bỏ học song bằng và chỉ học để lấy bằng đại học thứ nhất để có thời gian đi làm. Công ty tuyển tôi cũng không quan trọng vấn đề bằng cấp” – chị tâm sự.

Nguyễn Hạnh sẽ học thêm các học bổ trợ bên ngoài thay vì học song bằng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyễn Hạnh sẽ học thêm các học bổ trợ bên ngoài thay vì học song bằng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với chuyên ngành Kinh tế - Chính trị, Nguyễn Hạnh được miễn học phí, còn ngành Báo chí, chị đã đóng xong học phí ký đầu tiên hết khoảng hơn 10 triệu đồng. Quyết định bỏ học chương trình song bằng cũng khiến chị đắn đo.

Tốt nghiệp đại học tháng 9.2021, tính đến nay mức lương của Nguyễn Hạnh đã khoảng 12 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập đủ để chị chi tiêu cho cuộc sống cá nhân ở Thủ đô.

Nói về dự định tương lai, Nguyễn Hạnh cho biết sẽ không học thêm bằng đại học hoặc học lên thạc sỹ, nữ nhân viên HR mong muốn có thể học hỏi kinh nghiệm, kiến thức bổ trợ cho công việc hiện tại.

“Tôi sẽ tìm kiếm các khóa học về quản trị nhân sự và kỹ năng mềm ở trung tâm uy tín. Cái tôi mong mỏi học được là kiến thức thực tế” – Nguyễn Hạnh cho hay.

TS Cao Xuân Liễu – Trưởng phòng Đào tạo – Học viện Quản lý giáo dục nhận định học song bằng (hay nói chính xác hơn là học chương trình thứ 2 trình độ đại học trong trường đại học) hiện nay không phải là vấn đề mới, tiết kiệm được thời gian và trong chừng mực nào đó, cơ hội việc làm rộng hơn.

Rủi ro là có

Theo vị tiến sĩ, việc học song bằng vẫn còn khá nhiều thách thức và khó khăn. Áp lực học tập, sự chồng chéo về lịch học, áp lực về thời gian và tài chính, thời gian dành cho cá nhân và các hoạt động xã hội sẽ hạn chế đi.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và quan hệ, kỹ năng xã hội của sinh viên. Chưa kể đến việc ảnh hưởng đến chương trình học thứ nhất. 

Theo quy định hiện hành, nếu sinh viên không đáp ứng được các yêu cầu về điểm số của chương trình học thứ nhất thì sinh viên buộc phải tạm dừng hoặc nghỉ hẳn chương trình học thứ hai.

TS. Cao Xuân Liễu nói chuyện với sinh viên về định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS. Cao Xuân Liễu nói chuyện với sinh viên về định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Rủi ro là có. Tuy vậy, nhiều lúc sinh viên chưa tính toán kỹ các điều kiện chủ quan và khách quan nên vẫn cứ tham gia, thấy bạn học mình cũng đăng ký học nên một số sinh viên không đạt được mục tiêu, phải nghỉ giữa chừng” – TS Liễu chia sẻ.

Theo TS Cao Xuân Liễu, để có thể đạt được lợi ích tối đa trong học chương trình 2 thì sinh viên phải thực sự cân nhắc khi đăng ký học. Sinh viên phải nghiên cứu kỹ quy chế đào tạo, lựa chọn ngành học để đạt được sự tối ưu về chuyển điểm, đồng thời lại đáp ứng nguyện vọng cá nhân và nhu cầu xã hội.

“Sinh viên phải trả lời được các câu hỏi như: Liệu mình có cần thiết phải học thêm chương trình 2 đó không? Chương trình 2 này có phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế, thời gian và nhu cầu xã hội không? Có vượt qua được các áp lực hoặc khó khăn nếu tham gia học chương trình 2 không? Và khi học chương trình 2 như vậy, liệu kết quả học tập chương trình thứ nhất sẽ như thế nào?” – Ông Liễu cho hay.

Mặt khác, trước khi quyết định đăng ký học chương trình 2, ngoài những gợi ý trên, sinh viên nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thầy cô, gia đình, đặc biệt là những sinh viên khóa trước đã theo học chương trình 2 để có thêm thông tin, từ đó có phương án tốt nhất cho mình. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết