• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học song bằng: Cơ hội đi đôi với thách thức

Việc học song bằng mở ra cho người trẻ những cơ hội về nghề nghiệp, tuy nhiên hành trình này cũng mang lại không ít thách thức.

Áp lực cực lớn

Nguyễn Thu Trang - sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - lựa chọn ngành Quan hệ công chúng làm ngành học thứ 2. Đây cũng là niềm đam mê của nữ sinh từ khi còn học cấp 3. Tuy nhiên, những khó khăn của việc học song bằng nhìn từ bên ngoài khó mà hiểu hết.

Thu Trang tâm sự: “Áp lực lớn nhất với tôi vẫn là việc kiểm soát chất lượng học của cả hai bên. Chương trình học của 2 ngành hoàn toàn khác nhau nhưng lịch học lại đan xen, nhiều lúc tôi cảm thấy bị rối do quá tải kiến thức. Thời gian ôn tập và nghiên cứu cho từng môn cũng không được nhiều như khi học một chuyên ngành”.

Không dễ dàng trong việc theo đuổi cùng lúc hai chương trình học. Ảnh: Nguyễn Duy.

Thu Trang thấy không dễ dàng trong việc theo đuổi cùng lúc hai chương trình học. Ảnh: Nguyễn Duy

Bên cạnh đó, áp lực về tài chính cũng là một trong những lý do khiến Thu Trang từng băn khoăn trong quyết định học song bằng.

“Mặc dù học phí của trường tôi nằm ở mức khá thấp so với mặt bằng chung hiện nay, tuy nhiên, số tiền để cùng lúc thanh toán cho 2 chương trình học cũng không hề nhỏ. Chưa kể, có một số môn không thể thể ghép lớp, chúng tôi buộc phải đăng ký những lớp học tự nguyện và chia tiền. Trong trường hợp đó, học phí sẽ bị đội lên rất nhiều” - Thu Trang tâm sự.

Học song bằng khiến nữ sinh không thể có thời gian đi làm ngoài giờ kiếm thêm thu nhập. Điều này cũng một phần khiến áp lực tài chính của nữ sinh trở nên nặng nề hơn.

Bắt đầu tìm hiểu về việc học song bằng khá muộn, Thu Trang mất thêm ít nhất 1 năm để có thể ra trường so với bạn bè. “Đôi lúc nghĩ đến việc bạn bè ra trường, có công việc ổn định, có thu nhập để trang trải cuộc sống trong khi mình vẫn quay cuồng trong học tập, thi cử tôi cũng cảm thấy nản lòng” - Thu Trang trải lòng.

Không nên chạy theo "xu hướng"

Bạn Đỗ Thị Phương Mai (SN 2001) đang học ngành Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ngành Ngôn ngữ Trung, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng gặp nhiều khó khăn khi theo học cùng lúc hai chương trình.

Phương Mai chia sẻ, bản thân có niềm đam mê đặc biệt với văn hóa Trung Quốc. Nhận thấy nhu cầu nhân lực tiếng Trung ở thị trường lao động hiện nay khá cao nên nữ sinh đã quyết định theo học.

Do học hai chương trình ở 2 trường khác nhau, việc sắp xếp lịch học của Phương Mai càng gặp khó. Có những môn lịch học trùng nhau, nữ sinh bắt buộc phải huỷ môn và đăng ký sang giờ khác.

Áp lực khiến Phương Mai từng có suy nghĩ muốn bỏ cuộc. Ảnh: Nguyễn Duy.

Áp lực khiến Phương Mai từng có suy nghĩ muốn bỏ cuộc. Ảnh: Nguyễn Duy

Khác với những bạn học song bằng trong cùng một trường đại học, Phương Mai phải di chuyển qua lại giữa hai trường có khoảng cách gần 10 cây số. Vào giờ cao điểm hoặc những hôm thời tiết xấu, nữ sinh phải mất cả tiếng đồng hồ mới có thể tới lớp. Điều này cũng khiến cô cảm thấy khá mệt mỏi và ít nhiều ảnh hưởng đến việc học tập.

Phương Mai tâm sự: "Không ít lần tôi có suy nghĩ về việc bảo lưu để tiếp tục học khi ổn định hơn hoặc thậm chí là nghỉ học. Học song bằng thật sự rất mệt, cường độ học cao và lịch học dày, lịch thi các môn cũng bị trùng nhau khiến tôi rất khó khăn trong việc ôn tập. Cao điểm có những đợt tôi phải thi 5-6 môn/tuần”. 

Anh Nguyễn Thế Cường - Cán bộ Đào tạo và phát triển - Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT Information System) - chia sẻ: Không thể phủ nhận rằng việc học song bằng giúp các bạn sinh viên có nhiều cơ hội hơn về nghề nghiệp, những kiến thức, kỹ năng được đào tạo trong 2 chương trình học sẽ giúp ích tốt cho quá trình làm việc sau này.

Tuy nhiên, để có được thành công trong công việc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

“Sinh viên không nên xem việc học song bằng như một xu hướng. Các bạn sinh viên chỉ nên bắt đầu khi đã có sự định hướng rõ ràng và đầu tư kỹ lưỡng về thời gian, tài chính và tâm lý. Những bạn trẻ cũng không nên quá áp lực và đặt nặng vấn đề khi những bạn xung quanh có nhiều hơn một tấm bằng đại học” - Anh Cường nói.

Theo anh Cường, có rất nhiều hướng đi khác nhau đáng để cân nhắc như tiếp xúc với các công việc thực tế trong các công ty, doanh nghiệp. Việc trải qua quá trình đào tạo và hướng dẫn từ những người đi trước mang đến cho các bạn nhiều kinh nghiệm mà sinh viên không thể học trên giảng đường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết