• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Guồng quay điểm đại học

Khi có thông tin hai trường đại học (ĐH) KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội và ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM công bố điểm trúng tuyển ngành báo chí - truyền thông cao chót vót là 29,9; ngành gần là Quan hệ công chúng cũng có điểm chuẩn cao gần như kịch trần, "dân tình" ngay lập tức xôn xao.

Mạng xã hội bàn luận: "Thấy chưa, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc xưa nay, rằng học kém mới đi làm báo!"; hoặc "nghề báo siêu hot, điểm thi mỗi môn phải suýt soát 10 nhé"; hay là: "Ai bảo nhất y nhì dược, tạm được bách khoa…; mà phải là nhất truyền thông, nhì công nghệ…". Còn anh em làm báo thì hỏi nhau: Sao điểm ngất ngưởng thế nhỉ? Có phải học sinh thời nay giỏi hơn xưa? Ngày trước tụi mình thi mà điểm trúng tuyển cỡ này thì anh em ta chỉ còn cái nịt! Và, một câu hỏi rất khó trả lời là: Đầu vào học tốt như thế, điểm thi cao vòi vọi như thế, mà sao sau 4 năm theo ĐH, về tòa soạn thì gần như phải học nghề lại từ đầu?

Lời giải thích tựu trung là chất lượng đào tạo, hoặc thực lực dạy - học có vấn đề. Bởi lẽ, suy cho cùng, điểm chỉ là cơ sở để chọn đủ chỉ tiêu, chưa phản ánh đúng và đủ năng lực của thí sinh. Như điểm trúng tuyển ĐH của rất nhiều khối, ngành năm nay, sở dĩ cao hoặc rất cao là vì tổ hợp xét tuyển của ngành đó có những môn học mà điểm thi tốt nghiệp THPT cùng năm cao tương ứng.

Thí dụ như ngành sư phạm và môn lịch sử, thường khi sư phạm lịch sử có điểm chuẩn khá thấp, bởi lẽ mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT môn sử trong nhiều năm luôn lẹt đẹt, bình quân dưới 5,0. Năm nay, điểm thi bình quân môn này tăng cao, dẫn tới điểm chuẩn ĐH (theo phương thức xét tuyển dựa vào điểm tốt nghiệp THPT) cũng tăng vọt. Có thể tham chiếu qua trường hợp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, năm nay điểm trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử lên tới 38,67/40 điểm (thang điểm 40), tức trung bình thí sinh phải đạt 9,7 điểm/môn mới đỗ. Năm 2021, ngành này lấy điểm chuẩn chỉ 25,5 (cũng thang điểm 40), vậy là năm sau cao hơn năm trước những 13 điểm! Trước đây có ai nghĩ tới điều này? Còn bây giờ, đã là sự thật!

Ngây ngất vì điểm thi. Sầu đau do điểm thi. Hơn thua, ganh đua, mâu thuẫn nhau cũng bởi điểm thi. Xã hội vào guồng quay điểm và điểm chuẩn. Thấy cũng lạ, đã gọi là "điểm chuẩn" nhưng lại chưa chuẩn, mà gây nên bao cảnh khóc cười.

Ấy là từng có chuyện điểm chuẩn 30,5 dẫn tới những thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối cả 3 môn vẫn rớt ĐH. Năm 2020 và 2021 có vài ngành công bố điểm chuẩn 30, năm 2022 ghi nhận đến thời điểm này, điểm chuẩn cao nhất là 29,95. Với những ngành hot như công nghệ thông tin, y, ngoại thương, báo chí, luật kinh tế…, điểm chuẩn cao chót vót thì các thí sinh có điểm ưu tiên được lợi, còn những thí sinh ở khu vực 3 thì dễ rơi vào tình huống 30 điểm/3 môn vẫn trượt.

Từ năm 2023 tới, quy định về điểm ưu tiên sẽ thay đổi, ít nhất là theo hướng thí sinh có điểm thi càng cao thì mức điểm ưu tiên được cộng phải giảm dần. Nói chung, những nghịch lý về điểm gây bất bình đẳng trong học tập, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực, cần phải sớm xóa bỏ thay vì để tồn tại dai dẳng nhiều năm qua. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...