• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo viên thất vọng khi bị trây ỳ tiền chế độ, lương

Trông chờ khoản tiền “mồ hôi, công sức” suốt nhiều tháng qua, nhiều giáo viên ở huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) nhận về không ít thất vọng khi khoản tiền chế độ bị nợ đến nay vẫn chưa được chi trả, giờ phải chịu thêm cảnh chậm lương...

Giáo viên thất vọng khi bị trây ỳ tiền chế độ, lương

Nhiều giáo viên Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh, Bình Định) không biết bám víu vào đâu khi bị nợ lương, chế độ kéo dài. Ảnh: Hoài Luân

Tiền có nhưng vẫn phải... chờ

Liên quan đến vụ việc tập thể giáo viên Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh) nhiều lần đưa đơn “đòi quyền lợi” nhưng bất thành, mới đây, UBND huyện Vân Canh đã có quyết định cấp tạm ứng kinh phí từ ngân sách huyện, để xử lý trả nợ tiền dạy thêm giờ năm học 2022-2023 cho giáo viên.

Theo đó, huyện Vân Canh đã cấp tạm ứng kinh phí cho Trường THCS bán trú Canh Thuận (Trường Canh Thuận) số tiền hơn 215 triệu đồng, Trường THCS Canh Vinh hơn 139 triệu đồng và Trường PTDT bán trú Canh Liên hơn 86 triệu đồng để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên. Nguồn kinh phí tạm ứng từ kinh phí thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2023 chuyển sang năm 2024.

UBND huyện Vân Canh cũng giao hiệu trưởng 3 đơn vị trường nêu trên quản lý, sử dụng kinh phí được cấp tạm ứng đúng mục đích, chế độ, định mức và thanh, quyết toán tài chính theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm hoàn trả kinh phí tạm ứng cho ngân sách huyện trước ngày 31.12.2024 (nếu đơn vị không hoàn trả tạm ứng đúng thời gian quy định).

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh - cho biết, địa phương đã cấp tạm ứng kinh phí cho các trường, để chi trả tiền chế độ cho các giáo viên. Việc thực hiện chi trả thuộc trách nhiệm của các trường, do đó thời gian, tiến độ chi trả ra sao đều phụ thuộc vào các trường.

Sau khi quyết định cấp kinh phí tạm ứng được ban hành khoảng 1 tuần, ngày 23.7, PV đã liên hệ cô Phạm Thị Nga (tên nhân vật đã được thay đổi) - giáo viên Trường Canh Thuận. Qua trao đổi, cô Nga khẳng định, đến thời điểm hiện tại, các thầy cô giáo vẫn chưa nhận được khoản tiền chế độ chính đáng của mình.

Để tìm hiểu sự việc, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Trần Duy Khá - Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Canh Thuận - qua số điện thoại cá nhân, để nắm bắt thông tin cũng như tiến độ thực hiện chi trả tiền chế độ cho các giáo viên, tuy nhiên ông Khá vẫn im lặng, không có thông tin phản hồi đến PV.

Chế độ chưa trả, lương tiếp tục chậm

Tiếp tục phản ánh đến PV, một số giáo viên Trường Canh Thuận tỏ ra bức xúc vì tiền chế độ dạy thêm giờ năm học 2022-2023 chưa được nhận, giờ lại phải chịu thêm cảnh chậm lương.

“Mọi khi, chậm nhất là ngày 5 hằng tháng giáo viên sẽ được nhận lương, nhưng đến nay đã gần cuối tháng mà vẫn chưa thấy tiền đâu. Chúng tôi chẳng biết quyền lợi của mình ở đâu nữa, thật sự rất thất vọng, chán nản” - cô Phạm Thị Nga nói.

Cùng chung bức xúc, một giáo viên Trường Canh Thuận nói: “Với những thầy cô dạy lâu năm, họ có sự tích lũy nên việc chậm lương sẽ không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên, với các giáo viên trẻ mới ra trường, hay trường hợp vợ chồng cùng trong ngành, cùng đi dạy thì việc chậm lương, nợ chế độ sẽ khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn”.

Tiếp nhận thông tin phản ánh của các giáo viên, ngày 23.7, trao đổi với Lao Động, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết, sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay việc chi trả tiền chế độ dạy thêm giờ năm học 2022-2023 của các đơn vị trường học, đồng thời làm rõ việc chậm chi trả lương đối với giáo viên.

Nợ “quyền lợi” giáo viên là không thể chấp nhận

Như Báo Lao Động thông tin, tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 12.7), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu Giám đốc Sở GDĐT giải trình rõ về việc tập thể giáo viên Trường THCS bán trú Canh Thuận nhiều lần đưa đơn đến các cấp để “đòi quyền lợi” nhưng bất thành. Sau khi nghe người đứng đầu ngành giáo dục của tỉnh giải trình, ông Hồ Quốc Dũng đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định nhanh chóng kiểm tra, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan khi để chậm lương, nợ chế độ của giáo viên trên địa bàn huyện Vân Canh.

“Báo chí nêu lên mà các đồng chí để thế. Chủ tịch UBND huyện mà để nợ lương, chế độ như thế là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị trong tuần tới là phải xử lý dứt điểm tình trạng này” - ông Hồ Quốc Dũng nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết