Giáo viên dạy tích hợp "tự học" là chính!
Câu chuyện dạy các môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục là nỗi băn khoăn của không ít giáo viên (GV) trong năm học mới.
Nhất là thông tin sẽ điều chỉnh dạy tích hợp tại cuộc gặp gỡ vào giữa tháng 8 vừa qua của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn với GV khắp cả nước.
TP HCM là một trong hai địa phương cùng với Hà Nội có số học sinh, GV đông nhất cả nước. Mặc dù có sự chuẩn bị từ sớm, có hai trường sư phạm đóng trên địa bàn nhưng không vì thế mà thành phố có nhiều thuận lợi khi triển khai dạy học tích hợp. Thiếu GV, vừa dạy học vừa tập huấn là thực trạng chung của nhiều cơ sở giáo dục khi thực hiện chương trình ở các môn tích hợp, giáo dục địa phương, hướng nghiệp…
Ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho hay trường phân công 1 GV đảm nhận môn khoa học tự nhiên và một GV môn lịch sử, địa lý. Dù là trường "điểm" của quận 1, quy tụ đội ngũ GV giỏi nghề nhưng theo ông Khánh, không phải là không có khó khăn, phải trên tinh thần là tự học là chính và những lần sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để giảng dạy. Đối với môn giáo dục địa phương, ông Khánh cho hay, trường phân công 1 GV trước đây dạy môn lịch sử, địa lý để giảng dạy lớp 6 và 7. "Ở năm trước, do thiếu GV, môn giáo dục địa phương tại Trường THCS Nguyễn Du được tổ chức theo hình thức dạy theo chủ đề, mỗi tổ chuyên môn sẽ soạn chủ đề địa phương theo môn của tổ đó, dạy 1 ngày thứ bảy với 4 tiết" - ông Khánh nói.
Cách làm của Trường THCS Nguyễn Du cũng là cách làm được Sở GD-ĐT TP HCM chấp nhận, khuyến khích trong bối cảnh thiếu GV, nguồn đào tạo từ các trường sư phạm chưa có. Đến nay, theo ông Khánh, GV đã vững trong các giờ dạy, tự tin và không "than" nữa. Nhìn từ thực tế ở Trường THCS Nguyễn Du, cho thấy khó khăn không chừa một cơ sở giáo dục nào nhưng trong bối cảnh không còn lựa chọn nào khác, người thầy phải tự thân gánh vác trong khi các trường đại học sư phạm chưa đào tạo GV tích hợp.