• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trên 18,8 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế

Ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết, ngay từ những năm đầu tiên triển khai chính sách BHYT, nhóm học sinh, sinh viên (HSSV) đã được chú trọng và từng bước mở rộng số người tham gia. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách cũng như chỉ đạo tổ chức thực hiện, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến thực hiện BHYT HSSV.

Trên 18,8 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế

Ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tặng thẻ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: hà anh

Nhiều HSSV được chi trả chi phí khám chữa bệnh trên 1 tỉ đồng

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, trong những năm qua, cụ thể hóa các định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, với sự vào cuộc của ngành Giáo dục Đào tạo, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự chủ động, cố gắng của ngành BHXH Việt Nam, cho đến nay, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT trên cả nước đã đạt con số tích cực đạt trên 97%, tương ứng với con số cụ thể là trên 18,8 triệu HSSV.

Hiệu quả thực hiện BHYT không chỉ nằm ở diện bao phủ ngày càng tăng lên, mà quan trọng hơn là quyền lợi BHYT cho HSSV ngày càng được đảm bảo. Theo đó, khi tham gia BHYT, HSSV được hưởng nhiều lợi ích hơn như: Được chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) ngay tại trường học; được khám chữa bệnh BHYT với các thủ tục thuận tiện, thông thoáng, được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn...

Trong khoảng 2 năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 2,3 triệu HSSV sử dụng thẻ BHYT, với khoảng 3,3 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT; tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT với nhóm HSSV bình quân/năm là trên 1.875 tỉ đồng.

Thực tế cho thấy, Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải qua nhiều đợt điều trị, dài ngày như chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch...

Chi phí từ Quỹ BHYT cho các ca bệnh này từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng. Như trường hợp học sinh ở tỉnh Vĩnh Long (mã thẻ HS48686217…) được Quỹ BHYT chi trả chi phí lên đến 1,18 tỉ đồng. Hay như một em học sinh ở TPHCM (mã thẻ HS47979369…) cũng được Quỹ BHYT chi trả khoảng 1,1 tỉ đồng...

Bên cạnh đó, công tác CSSKBĐ tại các trường học hiện đang được vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ khám chữa bệnh BHYT. Việc chăm sóc sức khỏe tại trường học không chỉ giúp HSSV và gia đình phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh trường học liên quan đến thị lực, điều chỉnh tư thế viết, ngồi học chống cong vẹo cột sống…

Tiếp tục tăng cường truyền thông về BHYT

Theo quy định của Luật BHYT, HSSV là nhóm bắt buộc tham gia BHYT. Dù vậy, hiện còn khoảng 3% HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung ở nhóm sinh viên các trường ĐH, CĐ và học sinh các trường trung cấp, đào tạo nghề.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - để khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng tới bao phủ 100% BHYT đến nhóm HSSV, BHXH các tỉnh, thành phố phải chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp.

Theo đó, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, ban chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT, tập trung các giải pháp để đạt 100% BHYT HSSV. Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể các ngành: Giáo dục Đào tạo, Y tế, UBND cấp huyện trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT đối với HSSV. Nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, tiếp tục lan tỏa ý nghĩa chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT; nhân rộng, lan tỏa phong trào kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm ủng hộ tặng thẻ BHYT cho các em HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục Đào tạo, chỉ đạo các trường học tích cực rà soát, lập danh sách HSSV thuộc diện tham gia BHYT tại trường học, triển khai các thủ tục đảm bảo thu đúng, đủ BHYT HSSV theo đúng quy định của Luật BHYT.

Cơ quan BHXH phải đảm bảo thuận lợi trong các thủ tục hành chính, tăng cường và nâng cao chất lượng giao dịch điện tử. Kịp thời chuyển kinh phí CSSKBĐ cho các trường học theo đúng quy định.

Đặc biệt, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường truyền thông về BHYT HSSV. Cụ thể, cần tiếp tục phát huy hiệu quả các hình thức truyền thông trực tuyến/gián tiếp (gửi tin nhắn SMS, qua ứng dụng VssID, tương tác qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hội nghị trực tuyến/live stream...). Tập trung truyền tải các nội dung về bản chất nhân văn của BHYT, hiệu quả khám chữa bệnh BHYT với HSSV, các trường hợp được Quỹ BHYT chi trả chi phí cao...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết