• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng lấy việc học sinh nghỉ học thứ Bảy làm cơ hội dạy thêm

Một số tỉnh, thành đã triển khai, hoặc lấy ý kiến việc cho học sinh nghỉ học thứ Bảy.

Đừng lấy việc học sinh nghỉ học thứ Bảy làm cơ hội dạy thêm

Nhiều phụ huynh ủng hộ việc cho học sinh nghỉ học thứ Bảy, Chủ nhật. Ảnh: Vân Trang

Thông tin này rất được học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh quan tâm.

Nghỉ học ngày thứ Bảy, thêm ngày Chủ nhật là học sinh được nghỉ 2 ngày/tuần. Nhiều ý kiến cho rằng, nghỉ hai ngày là phù hợp, để học sinh nghỉ ngơi, vui chơi, đặc biệt là có thời gian đi học những môn rèn luyện kỹ năng.

Chương trình giáo dục phổ thông nặng nề khiến con cái chúng ta phải vùi đầu vào chuyện học, nên đa số học sinh bị hạn chế kỹ năng sống. Nhưng để thành công trong cuộc sống đâu chỉ là học giỏi, có tấm bằng cử nhân, tiến sĩ, mà còn nhiều khả năng và kỹ năng khác. Trong đó, có rất nhiều kỹ năng mà nhà trường không truyền dạy được.

Có thời gian ở nhà, con cái giúp đỡ cha mẹ công việc trong gia đình như nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ. Những việc đó không chỉ là chia sẻ với cha mẹ, mà còn rèn luyện kỹ năng cho bản thân, độc lập, tự lo cho mình về sau, trong hoàn cảnh phải đi học xa gia đình.

Có nhiều ý kiến cho rằng, ủng hộ cho học sinh nghỉ học ngày thứ Bảy, nhưng lo ngại giáo viên lại "lùa" học sinh học thêm. Nếu như vậy thì học sinh chẳng những không được nghỉ ngơi, đi học các khóa rèn luyện kỹ năng, lại phải ôm cặp sách đến lớp học thêm, mệt mỏi hơn cả học chính khóa.

Mục đích của việc cho học sinh nghỉ học thêm thứ Bảy còn để cho giáo viên giảm bớt gánh nặng công việc, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Nếu trò học thêm, thầy dạy thêm thì mục đích đó bị "phá sản".

Không "vơ đũa cả nắm" vì có nhiều thầy cô giáo mong muốn có thêm thời gian nghỉ ngơi, lo việc nhà, đọc sách, nghiên cứu, nhưng cũng có không ít người xem việc dạy thêm là nguồn thu nhập chính. Họ tận dụng mọi cơ hội để bắt ép học sinh của mình học thêm. Chính vì bị ép buộc, nên học sinh dù không muốn cũng phải đi học thêm vì sợ bị "trù dập".

Nhưng để không biến ngày nghỉ học thứ Bảy thành ngày học thêm, thì không chỉ về phía giáo viên, mà còn từ phía phụ huynh. Có không ít trường hợp, phụ huynh muốn tranh thủ thời gian, cho con học thêm, "luyện" thêm để thật giỏi, giỏi nhất. Nếu phụ huynh đã có "hoài bão" lớn như vậy thì con cái họ là nạn nhân, cũng không thể cấm dạy thêm, vì có cầu ắt có cung.

Bàn luận như vậy để thấy rằng, để một chủ trương được thành công như mục đích tốt đẹp của nó, cần phải có sự hợp tác tích cực, thái độ đúng đắn và có trách nhiệm từ nhiều phía.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết