• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học sinh nghiên cứu khoa học, nên là “sân chơi” đúng nghĩa

Học sinh phổ thông nghĩa là những người đi học các kiến thức phổ thông, nên nghiên cứu khoa học chỉ nên coi là “sân chơi” đúng nghĩa.

Học sinh nghiên cứu khoa học, nên là “sân chơi” đúng nghĩa

Nhiều đề tài, dự án dự thi khoa học kỹ thuật của học sinh bị dư luận nghi ngờ về tính thực chất. Ảnh minh họa: Hải Đăng

Bộ trưởng Bộ GDĐT vừa có Thông tư 06/2024 ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT thay thế quy chế ban hành từ năm 2012. So với quy chế trước đây, quy chế mới đã có nhiều thay đổi, khác biệt về mục đích, yêu cầu, quy trình tổ chức.

Quy chế mới của cuộc thi đã cho thấy nhiều điểm tích cực và tiến bộ khi khuyến khích, đề cao các yêu cầu, giá trị “trung thực”, “tự nguyện” và “vừa sức” đối với học sinh phổ thông.

Những nguy cơ dẫn đến tiêu cực, điều tiếng, bất hợp lý của cuộc thi này diễn ra từ nhiều năm nay như việc các trường “thuê” các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học cũng đã được loại bỏ về mặt pháp lý.

Việc học sinh ra chợ mua sản phẩm của người dân địa phương về “biến” thành sản phẩm của mình hay giáo viên tự làm, tự thiết kế, sau đó hướng dẫn cho học sinh tập luyện để thuyết trình, “biến” sản phẩm của giáo viên thành của học sinh cũng sẽ được hạn chế rất nhiều.

Các dự án nghiên cứu khoa học vượt tầm học sinh phổ thông về tên gọi và không hề ứng dụng được thực tế như thuốc chữa ung thư, dược phẩm, tự động hóa… tới đây cũng sẽ không còn cơ hội xuất hiện nữa.

Đây là những mặt tích cực và tiến bộ rất đáng hoan nghênh, cho thấy Bộ GDĐT đã nghiêm túc lắng nghe những ý kiến góp ý từ dư luận, báo chí, trong đó có báo Lao Động với nhiều loạt bài trong thời gian qua.

Tuy vậy, sự đổi mới này của Bộ GDĐT cũng vẫn chưa thể xóa đi sự băn khoăn. Bởi như báo Lao Động đã đề cập trong bài “Bộ GDĐT nên dũng cảm bãi bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật”. Cuộc thi khoa học kĩ thuật được Bộ GDĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Đây là một cuộc thi không ổn, nếu không muốn nói là sai từ trong bản chất.

Bởi học sinh phổ thông nghĩa là những người còn đi học các kiến thức phổ thông, cơ bản, nền tảng. Và Luật Giáo dục từ trước đến nay không đặt ra yêu cầu nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật đối với đối tượng này.

Còn nhớ hồi tháng 7.2022, Bộ GDĐT từng phát công văn số 2816 hỏi ý kiến giáo viên cả nước về việc có nên dừng cuộc thi này? Không biết giáo viên cả nước trả lời Bộ thế nào nhưng quan điểm của Bộ sau khi hỏi ý kiến là vẫn tiếp tục tổ chức như đã thấy.

Bộ GDĐT vẫn nên coi nghiên cứu khoa học như một môn học ngoài chính khóa, dạng như câu lạc bộ, dành cho những em yêu thích khoa học, hoặc là môn học điều kiện để các em làm quen với việc nghiên cứu, đừng nên đặt nặng thành tích.

Để làm được điều đó thì nhất thiết phải đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất. Các cuộc thi không nên bắt buộc mà có thể xã hội hóa thành sân chơi đúng nghĩa, để những sản phẩm nghiên cứu thực sự có ích, được các doanh nghiệp đưa vào sản xuất.

Để cho các em chơi, không đặt nặng thành tích (ảo), hơn thua kiểu con gà tức nhau tiếng gáy... thì tự khắc cuộc thi khoa học kỹ thuật không những không còn những dấu hiệu tiêu cực mà có khi lại phát huy hiệu quả ngoài mong đợi!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...