Đề thi tuyển sinh lớp 10 sẽ giảm độ khó vì… dịch?
Học sinh khối lớp 9 ở các thành phố lớn có một năm học bị ảnh hưởng bởi dịch, thời gian học trực tuyến kéo dài, nội dung chương trình tinh giản.
Trong khi đó, với một kỳ thi có tính cạnh tranh, phân loại cao như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đề thi sẽ ra theo hướng nào, có giảm bớt độ khó hay không là điều phụ huynh, học sinh quan tâm.
Theo hướng nào?
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022 sẽ làm 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Trong đó bài thi môn Toán, Ngữ văn, thí sinh làm bài theo hình thức tự luận, thời gian 120 phút. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút.
Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Trong đó, đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.
Mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giản phù hợp với thời gian, đảm bảo theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Đối với các thí sinh đăng ký dự tuyển các trường THPT chuyên, ngoài dự thi 3 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thì còn phải thi thêm môn chuyên theo nguyện vọng. Cụ thể, đề thi các môn chuyên được áp dụng hình thức tự luận, gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Lứa học sinh lớp 9 năm nay đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay khoảng 2 năm thì cũng chừng ấy thời gian, các em phải trải qua những cung bậc khác nhau trong việc học tập, rèn luyện.
Vượt qua những khó khăn, đội ngũ giáo viên và học sinh đã phải học trực tuyến, qua truyền hình, rồi kết hợp học trực tuyến và trực tiếp để phòng, chống dịch bệnh. Những xáo trộn không mong muốn và chưa có tiền lệ này đến nay đã từng bước được khắc phục hiệu quả; kế hoạch các năm học, đặc biệt là năm học 2021 - 2022, đã được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm nội dung, chương trình học tập.
Theo quy định, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên tại Hà Nội bao gồm 4 môn thi, trong đó có 3 môn cố định là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; môn thứ tư được công bố vào tháng 3 hằng năm. Tuy nhiên, năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án thi 3 môn, không có môn thứ tư. Điều này đã giảm tải rất nhiều cho học sinh.
Việc đã xác định được 3 môn thi vào lớp 10 là điều kiện thuận lợi cho các nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9 có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với việc dành thời gian phù hợp để hoàn thành các môn học khác theo chương trình năm học, Sở đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học cho học sinh lớp 9 bảo đảm khoa học, hợp lý, có tính xuyên suốt đến khi thi vào lớp 10.
Đề thi phải bảo đảm tính phân hóa
Đà Nẵng xây dựng lộ trình cho học sinh đến trường học trực tiếp khá sớm. HS khối lớp 9 của Đà Nẵng có gần 3 tháng học theo hình thức trực tuyến. Từ đầu tháng 12/2021, sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, học sinh khối 8 – 9 đã học trực tiếp tại trường. Học sinh sẽ vẫn dự thi 3 môn Văn – Toán và Anh văn, trong đó môn Anh văn tính điểm hệ số 1, 2 môn còn lại tính điểm hệ số 2 như những kỳ thi tuyển sinh trước đây.
Cùng với việc công bố lịch thi tuyển sinh vào lớp 10, Sở GD&ĐT Đà Nẵng lưu ý các trường THCS duy trì dạy học, ôn tập; lưu ý rèn luyện kỹ năng làm bài, làm quen với các dạng bài, các đề thi năm trước; hỗ trợ, động viên, giúp học sinh chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho các kỳ thi sắp tới.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Rút kinh nghiệm các kỳ thi năm trước, giáo viên nhắc nhở học sinh thực hiện đúng nội quy, quy định thi. Đặc biệt, làm bài thi vào đúng phần giấy dành cho phần bài làm của thí sinh; ghi câu trả lời vào ô quy định cho mỗi phần của bài thi ngoại ngữ. Thí sinh ghi không đúng ô quy định phần nào sẽ không được chấm điểm phần trả lời đó. Thí sinh dự thi môn Tiếng Nhật không được dùng bút chì để làm bài thi”.
Với khối lớp 9, bài kiểm tra cuối học kỳ II sẽ sử dụng đề thi chung do Sở GD&ĐT Đà Nẵng ra đề. Kết quả của bài kiểm tra cuối học kỳ II cũng là một trong những căn cứ để Sở xây dựng đề thi tuyển sinh với mức độ kiến thức phù hợp và đảm bảo đủ độ khó để phân hóa thí sinh.
Trước đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2021 của thành phố Đà Nẵng, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải lùi lịch thi gần 1 tháng so với dự kiến. Tuy nhiên, đề thi cả 3 môn Ngữ văn, Anh văn và Toán vẫn được đánh giá là có tính phân loại cao, có nhiều đổi mới trong cách ra đề theo hướng phát triển năng lực học sinh chứ không hề giảm độ khó.
Như đề thi môn Toán, mặc dù nội dung kiến thức đều năm trong chương trình học lớp 9 nhưng có một số bài tập vận dụng, nếu học sinh học theo kiểu luyện đề thì rất khó để đạt mốc 9 điểm trở lên. Đề thi môn Ngữ văn của Đà Nẵng năm 2021 cũng được đánh giá là khá hay và đổi mới trong cách ra đề thi. Từ 3 đoạn trích của 3 tác phẩm, học sinh có quyền lựa chọn 1 đoạn trích để phân tích. Với cách ra đề này, theo cô Hoàng Yến Phi (GV Ngữ văn, Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng) thì HS học ở mức độ nào cũng có thể làm bài được. Đề thi tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh khi làm bài vì được trao quyền lựa chọn. Các em sẽ đạt được nhiều nguyện vọng khác nhau tùy theo mức độ học của bản thân. Chính trong lựa chọn tác phẩm để phân tích cũng là một cách để phân loại thí sinh.