Bồi đắp cho trò tình yêu môn Sử
Điều quan trọng nhất để giữ vững vị thế của môn Lịch sử, theo ý kiến các giáo viên dạy môn học này, là phải làm sao để lịch sử hấp dẫn hơn, khiến học sinh yêu thích môn học.
Trọng trách từ mỗi giáo viên
Là giáo viên dạy Lịch sử, cô Nguyễn Tuyết Nhi, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) hoàn toàn ủng hộ những đổi mới trong Chương trình GDPT 2018. Cách dạy theo chương trình mới phát huy được tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh; có thể giúp học sinh cảm thấy bớt nhàm chán với các con số và sự kiện có tính chất ghi nhớ. Tính định hướng nghề nghiệp từ THPT cũng là một trong những điểm mới, có giá trị thực tế của Chương trình mới.
Cô Nguyễn Tuyết Nhi cho rằng: Điều quan trọng nhất để giữ vững vị thế của môn Lịch sử là làm sao để học sinh yêu môn Lịch sử, làm sao để môn học này hấp dẫn hơn.
“Khi dạy lịch sử, tôi thường lồng vào bài học kiến thức liên quan đến các vấn đề xã hội, tạo điều kiện cho học sinh tranh biện quan điểm cá nhân; dùng các tư liệu gần gũi, mang tính đời thường để chia sẻ với các em. Thơ văn cũng là một trong các yếu tố giúp cho bài học lịch sử giảm bớt khô khan và mang tính thuyết phục cao”, cô Tuyết Nhi chia sẻ.
Trao đổi về câu chuyện này, cô Nhi nhấn mạnh: Nâng cao giá trị môn học có vai trò vô cùng quan trọng của mỗi giáo viên giảng dạy. Thầy cô ngoài nâng cao tay nghề, cần tự nâng cao giá trị bộ môn mình đang chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho xã hội. Cô Nhi đồng thời mong muốn có nhiều kinh phí hơn để tăng cường học lịch sử tại thực địa, từ đó tăng tính thuyết phục cho mỗi bài học …
Cũng bày tỏ ủng hộ những đổi mới trong Chương trình GDPT 2018, thầy Lê Chí Trung, giáo viên dạy Lịch sử tại Trường THPT Gang Thép (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho rằng: Chương trình mới được xây dựng trên cơ sở đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo điều kiện phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; nâng cao kỹ năng thực hành; nội dung chương trình cập nhật những thành tựu mới, hiện đại.
Khẳng định vai trò quan trọng của môn Lịch sử trong giáo dục truyền thống, tinh thần dân tộc, hình thành nhân cách người học, theo thầy Lê Chí Trung, chương trình Lịch sử ở THCS đã thể hiện được các nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Do đó, việc trở thành môn lựa chọn ở cấp THPT không phải vấn đề quá lớn về thiếu hụt kiến thức với học sinh không lựa chọn bộ môn này.
Để học sinh yêu thích môn Lịch sử, theo thầy Lê Chí Trung, cần giảm tải nội dung lý thuyết, chú trọng nội dung trải nghiệm thực tế trong chương trình môn Lịch sử ở các cấp. Đề thi, kiểm tra hạn chế các kiến thức học thuộc chi tiết tiết sự kiện, diễn biến, số liệu một cách máy móc.
Giáo viên cũng cần thay đổi phương pháp giảng dạy, vận dụng kỹ thuật hiện đại trong dạy học để phát huy khả năng sáng tạo, phẩm chất, năng lực của học sinh. “Những điều này phải thực hiện ở tất cả cấp học, đặc biệt là THCS. Có được điều này, tôi hy vọng học sinh khi bước vào lớp 10 THPT sẽ có hứng thú hơn và nhiều em sẽ lựa chọn môn Lịch sử” - thầy Trung cho hay.
Bên cạnh yêu cầu với người dạy cần đa dạng nguồn tư liệu, tạo tò mò, hứng thú cho học sinh, để môn học hấp dẫn hơn, cô Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhấn mạnh thêm cần giảm tải về sự kiện, số liệu, không dàn trải kiến thức mà tập trung vào một số chủ đề để học có chiều sâu, hiểu bản chất và rút ra bài học nhận thức. Nội dung thi cử hướng đến kỹ năng, tư duy lịch sử nhiều hơn là kiểm tra kiến thức ghi nhớ máy móc.
Có yêu trò mới học nghiêm túc
Là giáo viên giảng dạy Lịch sử 12 năm ở môi trường công lập và ngoài công lập tại Hà Nội, cô Trần Thị Hội khẳng định: Không chỉ Lịch sử, mà bất cứ môn học nào cũng vậy, học trò có yêu thì mới học, có thiếu mới có nhu cầu bổ sung. Nhưng làm sao để học sinh yêu môn Lịch sử, để môn học này hấp dẫn hơn cần tác động toàn diện, đồng bộ đến nhiều yếu tố.
Đối với giáo viên, với vai trò là người truyền lửa, cảm hứng và say mê đòi hỏi trách nhiệm lớn lao và phải nỗ lực rất nhiều.
Từ kinh nghiệm bản thân, cô Trần Thị Hội cho biết cách mình dạy học Lịch sử khiến học trò hứng thú không quá cầu kỳ. Đó là kể những câu chuyện lịch sử và luôn liên hệ với thực tế cuộc sống; áp dụng được những bài học của quá khứ vào hiện tại. Từ đó, học sinh thấy lịch sử gần gũi, biết yêu, ghét và có quan điểm rõ ràng khi nhìn nhận quá khứ và hiện tại, thậm chí là định hướng tương lai.
Ví dụ: Khi dạy về Cuộc kháng chiến chống quân Tống lần 1, cô Hội sẽ kể cho học trò nghe về câu chuyện “Thái hậu Dương Vân Nga trao áo bào cho Lê Hoàn”. Thông qua đó, cô giải thích tại sao Lê Hoàn lên ngôi vua; trong tình thế đất nước bị giặc ngoại xâm thì đối sách của một vị hoàng hậu của triều Đinh như thế nào, và làm rõ công lao “gạt lợi ích dòng tộc để đặt lợi ích dân tộc lên trên hết của Thái hậu Dương Vân Nga”; nhấn mạnh tài trí và công lao của Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống lần 1.
Ngoài nỗ lực của bản thân, để nâng cao vị thế môn Lịch sử cũng như tăng cường hiệu quả dạy học lịch sử trong nhà trường, cô Hội mong mỏi các cấp, ngành nên có những quan điểm, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp; đặc biệt là quan tâm đến vai trò nòng cốt là giáo viên.
Với cô Nguyễn Thị Thuỷ, giáo viên Lịch sử Trường THPT Triệu Quang Phục (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), để học sinh yêu thích lịch sử, hào hứng với môn Lịch sử, trước hết sách giáo khoa phải cô đọng, hấp dẫn hơn.
Giáo viên cần tự nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư vào bài giảng, thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin vào giảng dạy. Việc thầy cô tích cực đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, tổ chức đa dạng các hình thức tổ chức dạy học rất quan trọng.
Trong giờ dạy, giáo viên nên để học sinh trao đổi, thảo luận về một nhân vật, sự kiện nào đó hơn là chỉ ghi chép. Khi tạo được không khí tranh luận sôi nổi thì việc dạy lịch sử sẽ hấp dẫn và học sinh sẽ thích học.