Xây dựng tổ hợp môn tự chọn: Ưu tiên tối đa nguyện vọng của học sinh
Chủ động xây dựng các phương án tổ hợp môn tự chọn dựa trên điều kiện đội ngũ và cơ sở vật chất, thế nhưng, lãnh đạo các trường THPT đều cho biết, nguyện vọng của học sinh sẽ được ưu tiên tối đa.
Đó cũng chính là tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trắc nghiệm hướng nghiệp
Thầy Lê Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) - cho biết, nhà trường đang tính toán lại số giáo viên và cả môn chuyên để xây dựng phương án tổ chức tổ hợp môn. “Sau khi có danh sách học sinh trúng tuyển vào lớp 10, nhà trường mới có dữ liệu về nguyện vọng đăng ký tổ hợp môn tự chọn của các em. Vì vậy, việc xây dựng phương án tổ chức dạy – học môn tự chọn tạm thời được chúng tôi xây dựng dựa trên dữ liệu đăng ký tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học của học sinh trong vài năm gần đây”, thầy Vinh cho biết.
Theo đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn xây dựng phương án tổ hợp môn tự chọn dựa trên nhu cầu của môn chuyên. “Những học sinh môn chuyên tự nhiên thì dự đoán đi theo khối nào, tỉ lệ bao nhiêu thì mới tính toán lại giáo viên. Chẳng hạn, nhà trường sẽ thống kê lớp chuyên Toán những năm gần đây thì bao nhiêu % học sinh theo Y khoa, Bách khoa, Kinh tế… Trên cơ sở đó, dự kiến chúng tôi sẽ xây dựng 3 phương án. Giả thiết 10% học sinh của lớp chuyên Toán sẽ chọn xét tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa thì có bao nhiêu % học sinh sẽ chọn môn tự chọn là Hóa – Sinh hay Lý – Hóa. Từ cơ sở này, phương án 1, khối lớp 10 năm tới sẽ có 3 lớp tự chọn môn Vật lý, phương án 2 sẽ có 2 lớp, phương án 3 sẽ là phương án dung hòa của 2 phương án trên”, thầy Lê Vinh nêu ví dụ.
Lý tưởng nhất là dữ liệu nguyện vọng chọn tổ hợp môn trên thực tế của học sinh trùng với những phương án mà nhà trường chủ động xây dựng. Tuy nhiên, thầy Vinh dự đoán, sẽ có một số môn tự chọn có số học sinh theo học vượt quá với dự đoán của nhà trường. Trong trường hợp đó, theo như thầy Vinh, thì có thể “ép” lớp lại một chút, trên cơ sở sắp xếp lớp theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng 1, 2, 3. Nếu không thuyết phục được học sinh thay đổi môn học trên cơ sở những phương án tổ chức lớp của nhà trường, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ sử dụng phần mềm tổ chức cho học sinh làm trắc nghiệm hướng nghiệp để các em nhận thấy được sở trường, tính cách… của mình.
Xây dựng các cụm chuyên đề
Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) căn cứ trên số liệu học sinh khối 12 đăng ký các tổ hợp môn dự thi tốt nghiệp THPT trong 5 năm gần đây để xây dựng phương án tổ hợp môn tự chọn cho khối lớp 10. “Các phương án phân lớp khối lớp 10 sẽ được xây dựng trên cơ sở cân đối giữa việc bố trí giáo viên dạy các môn của khối 11 và khối 12 bảo đảm quy định và số lượng giáo viên các môn, dự kiến phân công từ các tổ chuyên môn”, thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Theo đó, tùy theo số lượng giáo viên, Trường THPT Hoàng Hoa Thám sẽ chọn tổ hợp tự nhiên hay xã hội nhiều hơn, xây dựng cụm chuyên đề phù hợp với nhóm tổ hợp tự nhiên hoặc xã hội và phù hợp tương đối với các tổ hợp môn tuyển sinh đại học truyền thống như A, A1, C, D.
Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) dự kiến sẽ có 6 tổ hợp môn để học sinh lựa chọn, dựa trên nguồn lực sẵn có của nhà trường. Theo khảo sát, đa số học sinh của trường có xu hướng chọn tổ hợp môn khoa học xã hội khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học. Vì vậy, trong xây dựng phương án tổ hợp môn tự chọn cho khối 10 sắp tới, với nhóm môn khoa học xã hội, nhà trường ưu tiên môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế. Với nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật, sẽ ưu tiên môn Công nghệ và Tin học. Riêng môn Âm nhạc và Mỹ thuật sẽ không đưa vào vì không có giáo viên.
Tuy nhiên, theo như thầy Bùi Minh Quảng, đây mới chỉ là các phương án dự kiến của nhà trường để tránh bị động. “Đến khi có danh sách học sinh lớp 10 trúng tuyển vào trường, nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh và học sinh để lấy danh sách đăng ký nguyện vọng đăng ký môn tự chọn và tư vấn chọn môn cũng như định hướng hướng nghiệp”, thầy Quảng cho biết.
Rất nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 năm tới không khỏi băn khoăn và lo lắng trong trường hợp thay đổi định hướng nghề nghiệp suốt trong 3 năm THPT. Chị Nguyễn Thị Hạnh (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thắc mắc: “Ví dụ như năm lớp 10, học sinh chọn môn tự chọn là môn Lý, nhưng lên lớp 11, em đó muốn đầu tư nhiều hơn cho môn Hóa – Sinh để chuyển hướng sang khối B. Nếu vậy, có đủ kiến thức để theo học Hóa – Sinh lớp 11 hay không khi trong năm lớp 10 không học 2 môn này?”.
Thầy Lê Vinh cho biết: “Môn tự chọn không phải là xuyên suốt mà là chương trình của một lớp thôi. Đã là môn tự chọn thì học sinh có quyền chọn và có quyền thay đổi. Chương trình kiến thức ở bậc THCS là căn bản, nền tảng nên lớp 10 chọn sai môn cũng không có gì là nghiêm trọng. Tuy nhiên, thường chọn môn là chọn theo tổ hợp chứ không phải là chọn cơ học cho đủ số môn nên trường hợp “nhảy” sang một tổ hợp mà không có môn nào liên quan đến tổ hợp cũ đã chọn cũng hiếm khi xảy ra”.
Với những môn dự kiến có ít học sinh theo học, như môn Lịch sử, thầy Lê Vinh cho rằng có thể sử dụng phương án mở lớp ghép. Vì đây là môn tự chọn, nếu chương trình cho phép thì có thể rút ngắn thời gian học trong một học kỳ nên 5 -10 học sinh chọn một môn cũng có thể tổ chức lớp được.