• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Thừa thầy, thiếu thợ”, học sinh ở Gia Lai chọn học nghề

Sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, nhiều học sinh vùng sâu vùng xa của tỉnh Gia Lai đã xin vào học các trường nghề thay vì quyết tâm thi đậu vào Cao đẳng, Đại học. Thực tế, việc chọn học nghề đã giúp các em sớm có công ăn việc làm, ổn định đời sống tốt hơn.

“Thừa thầy, thiếu thợ”, học sinh ở Gia Lai chọn học nghề

Giáo viên dạy nghề cho học sinh, sinh viên vùng sâu vùng xa tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thanh Tuấn

Ngày 5.6, ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai - cho biết, việc định hướng cho các em học sinh, nhất là học sinh vùng sâu vùng xa học nghề dựa theo nhu cầu xã hội là cần thiết, từng bước khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay, giải quyết bài toán lao động và việc làm ở địa phương.

Sau khi tốt nghiệp THCS, em Rô Ô H’Yung (buôn Hmuk, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) đã chọn học nghề. Gia đình H’Yung thuộc diện hộ nghèo. Trực tiếp nghe thầy cô Trường Cao đẳng Gia Lai tư vấn học nghề, H’Yung càng thêm quyết tâm theo học nghề và mong muốn sớm tìm được việc làm, giúp bố mẹ và các em.

“Các bạn đồng trang lứa ở nhà thường đi làm rẫy, làm thuê phụ giúp bố mẹ, cũng có người lấy chồng sớm, nhưng đa số cuộc sống đều nghèo. Nếu em không tìm hướng đi khác, sau này cũng không khá lên được. Được các thầy cô tư vấn, em chọn học nghề may tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ở đây, em được miễn học phí, được trợ cấp 1.490.000 đồng/tháng, ở kí túc xá miễn phí” - H’Yung nói.

Em Nguyễn Thị Thương (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê) cũng chọn học nghề. Thương cho biết: “Sau khi được thầy cô tư vấn, định hướng, em đã chọn hướng học nghề để đi du học tại Nhật Bản. Theo đơn vị tư vấn, du học Nhật Bản khá thuận lợi, chi phí khoảng 90 triệu đồng, thời gian học tập được Chính phủ Nhật và các doanh nghiệp tài trợ học phí và tạo việc làm. Lựa chọn này được bố mẹ ủng hộ khiến em rất thoải mái và tự tin”.

Ông Phạm Văn Điều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai - cho biết, mỗi năm, nhà trường tuyển sinh khoảng 200-250 học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tại trường. Nhà trường thành lập Trung tâm Tuyển sinh và Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) để tư vấn, hướng nghiệp bằng nhiều hình thức.

Hiện nhà trường có gần 7.000 HSSV theo học, trong đó 70% là người dân tộc thiểu số. Đối với con em dân tộc thiểu số các xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách, nhà trường miễn học phí theo quy định, đồng thời có kí túc xá cho đối tượng HSSV.

Nhà trường cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai tham gia tư vấn học nghề phù hợp cho thanh niên tại các phiên giao dịch việc làm lưu động. Đối với hoạt động tư vấn gián tiếp, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền qua website, mạng xã hội Zalo, Facebook…

Các hoạt động này đã giúp phụ huynh, HSSV thay đổi nhận thức, học và làm nghề xã hội đang có nhu cầu, mức lương tuyển dụng với các nghề nghiệp cũng hấp dẫn, giúp người lao động sớm ổn định đời sống. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết