"Đưa trường học đến thí sinh" 2023: Giải đáp nỗi lo nghề nghiệp
"Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 22-2023 được tổ chức trực tiếp tại 4 địa phương cùng nhiều chương trình tư vấn trực tuyến; lồng ghép chương trình tập huấn hướng nghiệp cho hàng trăm giáo viên.
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 22-2023 sẽ được Báo Người Lao Động tổ chức tại Sóc Trăng (ngày 12-3), Quảng Trị (19-3), TP HCM (2-4) và Ninh Thuận (8-4). Giai đoạn tiếp theo, Báo Người Lao Động sẽ tổ chức các chương trình trực tuyến phù hợp với thời sự tuyển sinh nhằm tạo cầu nối giữa thí sinh và các trường ĐH, CĐ.
Thông tin mới nhất, chính xác nhất
Quy tụ đội ngũ chuyên gia hùng hậu và giàu kinh nghiệm, năm nay, chương trình tiếp tục có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để thông tin những điểm mới, giải đáp những thắc mắc của thí sinh về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2023.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, tư vấn cho học sinh tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2022
Ngoài ra, đại diện ĐHQG TP HCM cùng các trường ĐH, CĐ tại TP HCM và các địa phương sẽ thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực, thông tin tuyển sinh năm 2023. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên 4 đài phát thanh - truyền hình địa phương.
Cùng với chuỗi chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh, năm nay, Báo Người Lao Động tiếp tục kết hợp tổ chức các buổi tập huấn hướng nghiệp cho giáo viên các tỉnh, thành. Qua những chương trình này, hàng trăm giáo viên làm công tác hướng nghiệp sẽ được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp từ những chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Bộ GD-ĐT, các trường ĐH...
Học sinh được các chuyên gia tư vấn sâu tại chương trình. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại Sóc Trăng, chương trình tập huấn có sự đồng hành của PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cùng các chuyên gia hướng nghiệp cho 160 giáo viên THPT. Tại Quảng Trị, chương trình có 180 giáo viên, Ninh Thuận khoảng 150 giáo viên…
Như vậy, chương trình sẽ hướng nghiệp toàn diện cho cả giáo viên lẫn học sinh tại các địa phương, đồng thời đưa đến thông tin mới nhất, chính xác nhất trước khi học sinh đặt bút đăng ký nguyện vọng vào ĐH, CĐ.
Kênh tư vấn tin cậy
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, đánh giá chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động là một hoạt động thường niên có ý nghĩa to lớn đối với học sinh THPT và phụ huynh. Chương trình đã giúp rất nhiều thế hệ học sinh, đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa, nắm bắt được thông tin chính xác về kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm cũng như những vấn đề liên quan việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Từ đó, giúp các em xác định được hướng đi phù hợp nhất sau khi tốt nghiệp THPT.
"Trường ĐH Công nghiệp TP HCM rất tự hào khi được tham gia chương trình này cùng Báo Người Lao Động. Chúng tôi hy vọng sẽ giải đáp được tất cả các thắc mắc, băn khoăn, lo lắng của học sinh và phụ huynh" - TS Nguyễn Trung Nhân tin tưởng.
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, đánh giá với sự phát triển của mạng lưới cơ sở giáo dục như hiện nay và sự bùng nổ của các hoạt động truyền thông, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người lao Động tổ chức là một cầu nối đáng tin cậy. Chương trình này giúp phụ huynh, học sinh THPT và các trường ĐH, CĐ có cơ hội tương tác, trao đổi, tìm hiểu thông tin một cách chính xác nhất về quy chế tuyển sinh, về các phương thức xét tuyển, ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường hiện nay.
Tại chương trình, học sinh và phụ huynh đã đặt nhiều câu hỏi rất hay và thực tế về mối quan tâm của các em đối với nghề nghiệp, cơ hội học tập cũng như hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT. Học sinh cũng dành nhiều sự quan tâm về các ngành như tài chính - ngân hàng, marketing, công nghệ thông tin với những nỗi lo lắng về việc bùng nổ của ứng dụng ChatGPT có ảnh hưởng gì đến cơ hội nghề nghiệp của mình trong thời gian tới hay không.
"Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" phần nào kịp thời giải đáp những thắc mắc, truyền động lực cũng như tiếp thêm tinh thần cho các em trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và lựa chọn các nguyện vọng nghề nghiệp phù hợp với sở thích, đam mê, năng lực học tập của mình" - TS Lê Trung Đạo nhìn nhận.
Sáng 12-3, khai mạc tại Sóc Trăng
Vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 12-3, tại Trường THPT TP Sóc Trăng (số 1115 Trần Hưng Đạo, phường 10, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 chính thức khai mạc.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Sở GD-ĐT tỉnh; Ban Tư vấn gồm lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT; đại diện ĐHQG TP HCM, Trường ĐH SPKT TP HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn...
Lồng ghép trong chương trình là nội dung hướng nghiệp cho giáo viên với sự hướng dẫn của PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH...
Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Sóc Trăng và tại địa chỉ nld.com.vn.
PGS-TS NGUYỄN THU THỦY, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT: Lan tỏa rộng, hiệu quả
Tôi đã tham gia Ban Tư vấn "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động, thấy rằng đây là chương trình chất lượng, thiết thực, chuyển tải thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ đến với thí sinh một cách kịp thời, chính xác.
Chương trình còn là cầu nối giữa phụ huynh học sinh, thí sinh và các cơ sở đào tạo. Qua đó, thí sinh được giải đáp tất cả những vấn đề mà các em quan tâm hoặc chưa thấu hiểu trong thi cử, đăng ký xét tuyển, thay đổi nguyện vọng…. Các em được các chuyên gia tư vấn tận tâm, cặn kẽ trong việc chọn ngành nghề, định hướng con đường tương lai, giải tỏa áp lực tâm lý…
Điểm nhấn của "Đưa trường học đến thí sinh" 2 năm gần đây là ngoài tư vấn tuyển sinh, chương trình còn mời chuyên gia, tổ chức thêm các buổi tập huấn cho giáo viên THPT về kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp cho học sinh. Đối tượng được tập huấn không chỉ là giáo viên chuyên trách hướng nghiệp trong nhà trường mà còn mở rộng cho giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu, cán bộ Đoàn… Nội dung này rất hữu ích. Ngoài ra, các phương tiện và hình thức truyền thông cũng đa dạng, trong đó có truyền hình trực tiếp tư vấn tuyển sinh tại các tỉnh - thành, đã góp phần làm nên nét riêng của "Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức, giúp thông tin được lan tỏa sâu rộng.
TS LÊ THỊ THANH MAI, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐHQG TP HCM: Giúp giáo viên, học sinh nắm xu hướng ngành nghề
"Đưa trường học đến thí sinh" không chỉ cung cấp thông tin đến thí sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ mà còn mang đến cho giáo viên những kỹ năng giúp học sinh nhận thức rõ ngành nghề phù hợp, tiếp nhận thông tin về ngành nghề đào tạo, xu hướng tuyển sinh của các trường cũng như tuyển dụng nhân lực của địa phương.
Việc này cũng hỗ trợ giáo viên trong việc sắp xếp nội dung hướng nghiệp, trải nghiệm cho học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông 2018.