• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự làm mới mình, du lịch miền núi dần phục hồi

Từ giữa năm 2022 khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động du lịch trong nước mở cửa hoàn toàn thì các tỉnh miền núi như: Hà Giang, Tuyên Quang bắt đầu có những điều chỉnh để phù hợp với thực tế cũng như tự làm mới mình.

Tự làm mới mình, du lịch miền núi dần phục hồi

Sản phẩm du lịch trải nghiệm làm cốm trong mùa lúa mới tại huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. Ảnh: Nguyễn Tùng

Đến Tuyên Quang vào dịp Trung thu năm 2023, chị Nguyễn Trần Huyền Trang (TP Hồ Chí Minh) ấn tượng với những thay đổi của thành phố nhỏ xinh đẹp này cũng như cách thức tổ chức, đón tiếp khách du lịch.

Những hoạt động của lễ hội rực rỡ sắc màu cùng màn rước đèn khắp phố trong các buổi tối và kéo dài cả tháng đã cho các con nhỏ nhà chị Trang những trải nghiệm vô cùng thú vị.

“Năm 2019 tôi từng đến du lịch Tuyên Quang, lúc đó từ lễ hội cho tới các điểm du lịch đã khá nhộn nhịp. Nhưng năm nay thấy có nhiều đổi khác, công tác tổ chức cũng quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn. Tôi được biết đến chi tiết những hoạt động của lễ hội từ vài tháng trước nhờ hoạt động quảng bá nên có thời gian lên kế hoạch đi chơi kỹ lưỡng hơn” - chị Trang cho hay.

Năm 2023, du lịch Tuyên Quang có nhiều nét mới, cách làm mới, đơn cử như việc mang các sản phẩm du lịch mới tới tận các tỉnh thành trong cả nước để du khách có điều kiện lựa chọn.

2 năm gần đây, các hoạt động bay khinh khí cầu tại Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế do Tuyên Quang đăng cai đã quảng bá và thu hút du khách hiệu quả. Trải nghiệm bay khinh khí cầu và ngắm thành phố từ trên cao đã cho du khách trong nước và quốc tế những ấn tượng đặc biệt.

Trao đổi với PV, bà Âu Thị Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Tuyên Quang - cho biết, chỉ riêng 9 tháng năm 2023 địa phương đã đón hơn 2,3 triệu lượt khách, số này đã vượt tổng khách của cả năm 2022.

Để đạt mục tiêu năm 2025 đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu đạt trên 4.800 tỉ đồng thì việc tiếp tục đổi mới, tạo điểm nhấn cho các hoạt động du lịch là điều bắt buộc phải làm.

“Bên cạnh mở rộng quảng bá tới các địa phương, chúng tôi tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch mới như làng văn hoá gắn với du lịch, du lịch nông nghiệp, du lịch lịch sử tâm linh nghỉ dưỡng... Đồng thời tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ làm và quản lý du lịch bài bản, chuyên nghiệp hơn” - bà Mai cho hay.

Tại tỉnh biên giới Hà Giang, cuối tháng 4.2023, địa phương này đã cho ra mắt sản phẩm du lịch mới, tuyến du lịch số 4 mang tên “Hành trình đến với tương lai xanh” gồm 14 điểm, các cụm di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, các loại hình di sản đặc sắc trải dài các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.

Theo bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang - việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, trong đó tuyến số 4 “Hành trình đến với tương lai xanh” là sự khác biệt trên vùng Công viên địa chất với nhiều di sản, đa dạng sinh học. Du khách được tận hưởng phong cảnh hùng vĩ với giá trị văn hóa, ẩm thực giàu bản sắc, được cảm nhận và trải nghiệm giữa thiên nhiên đại ngàn.

“Hiện nay, các sản phẩm du lịch của Hà Giang rất đa dạng, thường xuyên được đổi mới để đáp ứng yêu cầu khai thác quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ. Trong đó, sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của 19 dân tộc, gắn với các làng văn hoá du lịch cộng đồng, vẻ đẹp kỳ vĩ, cảnh quan thiên nhiên... tạo nên một Hà Giang hấp dẫn nơi điểm hẹn cực Bắc Tổ quốc” - bà Tình chia sẻ.

Dự kiến, trong năm 2023, 3 triệu lượt khách du lịch sẽ đến với Hà Giang với kỳ vọng tạo nguồn thu lớn cho tỉnh biên giới này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết