Lắng nghe người dân hiến kế: "Chìa khóa vàng" để phát triển du lịch Cần Giờ
Ý thức, sự quan tâm, đồng hành của người dân đóng vai trò quan trọng, giúp Cần Giờ trở thành điểm đến du lịch xanh.
Cần Giờ là huyện duy nhất ở TP HCM giáp với biển, cảnh quan thiên nhiên đẹp, có giá trị về lịch sử, mang đậm văn hóa bản địa, ẩm thực đa dạng…
Cơ hội vàng
Điểm nghẽn lớn nhất của Cần Giờ hiện nay là chuyện "qua sông lụy phà". Phà Bình Khánh chỉ giải quyết việc đi lại của người dân địa phương, du khách đến Cần Giờ một cách tạm thời. Vì vậy, cây cầu bắc qua sông Soài Rạp kết nối trung tâm thành phố với Cần Giờ không chỉ giải được bài toán đi lại, mà còn tạo đột phá cho huyện. Nghị quyết 98 là "cơ hội vàng" để ý tưởng cầu Cần Giờ thành hiện thực.
Trong lần đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng và nghe báo cáo đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao TP HCM phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh công tác xây dựng quy hoạch thành phố gắn với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và bổ sung quy hoạch Cần Giờ theo hướng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược cho TP HCM và cả khu vực bởi đặc thù địa lý của địa phương.
Thủ tướng tin tưởng có thể biến Cần Giờ giàu tiềm năng thành một đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TP HCM và cả vùng Đông Nam Bộ.
UBND TP HCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Một khi được chấp thuận, việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế sẽ là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước, biến logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP HCM.
Cần Giờ giàu tiềm năng sẽ trở thành một đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TP HCM và cả vùng Đông Nam Bộ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những trục đường Rừng Sác, Duyên Hải, Lý Nhơn, Đào Cử, Tắc Suất… cần nhanh chóng nâng cấp, mở rộng, quy hoạch lại.Cùng với đó xây dựng đường thủy song song với đường Rừng Sác để du khách khám phá rừng ngập mặn trên sông nước.
Nâng cấp mở rộng các tuyến đường ven sông đi qua các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh; xây dựng đường ven biển từ Long Hòa đi Cần Thạnh, quy hoạch lại các khu du lịch, tắm biển, cải tạo và tăng thêm khu chợ, các khu trung tâm thương mại, hành lang bãi biển... một cách bài bản.
UBND TP HCM cần quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực, tạo nhiều cơ chế, chính sách, cho phép thí điểm một số mô hình có tính chất tối ưu cho Cần Giờ.
Nghiên cứu nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Long Thành - Bến Lức để phát huy hiệu quả giao thông và khi Vành đai 3 và cao tốc Long Thành - Bến Lức đưa vào hoạt động…
Xây dựng hình ảnh điểm đến văn minh
Qua thành công từ một số bộ phim Việt Nam cho thấy để mỗi khán giả điện ảnh trở thành một du khách, ngành du lịch thành phố và ngành điện ảnh cần ngồi lại cùng nhau vạch ra từng chiến lược hợp tác rõ ràng, đánh thức tiềm năng vẻ đẹp về con người, cảnh sắc, di tích lịch sử... của TP HCM, của Cần Giờ. Những thước phim đẹp sẽ có tác dụng lớn trong quảng bá du lịch cho thành phố.
Muốn vậy, ngành du lịch thành phố phải xây dựng danh mục thông tin về các địa điểm đến nổi tiếng của thành phố nói chung, Cần Giờ nói riêng để thuận tiện trong việc quảng bá đến các hãng phim.
Bên cạnh đó, chính quyền TP HCM và huyện Cần Giờ cần có những chính sách đầu tư, ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép để thu hút các dự án phim lớn trong nước, kể cả nước ngoài nhằm xây dựng hình ảnh điểm đến.
Đặc biệt, để Cần Giờ trở thành điểm đến du lịch xanh thì ý thức, sự quan tâm, đồng hành của người dân đóng vai trò quan trọng, giúp địa phương có bước tiến dài và vững chắc. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần vào cuộc mạnh mẻ nâng cao ý thức người dân trong việc phát triển du lịch đi đôi với việc bảo vệ "lá phổi xanh" của thành phố, mỗi người dân cần có cách giao tiếp, ứng xử văn minh lịch sự...
Có thể tổ chức hội nghị lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch, ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự, nếp sống văn minh du lịch, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên gắn với xây dựng các chỉ tiêu bình xét thi đua của các ấp, xã, thị trấn.
Mở các lớp tập huấn về kiến thức du lịch, văn hóa ứng xử cho người làm dịch vụ du lịch. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia phát triển các dịch vụ du lịch mới; nâng cao ý thức cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn về cung cách phục vụ và giá cả dịch vụ.