• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phép thử cho ngành du lịch

Kỳ nghỉ lễ 4 ngày (30-4 và 1-5) vừa qua ghi nhận sự quá tải lượng du khách tại hầu hết các địa chỉ du lịch trọng điểm trong nước.

Bởi đã khá lâu không được đi đó đi đây do dịch Covid-19, nhu cầu du lịch trong dân như chiếc lò xo bị nén; tới khi đại dịch cơ bản được kiểm soát và kinh tế - xã hội phục hồi nhanh, đến dịp lễ này thì lò xo ấy bật tung; thế là nhà nhà, người người xách ba-lô lên và đi!

Các địa phương gần Hà Nội mạnh về du lịch; Hội An ở miền Trung; Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt ở Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; Vũng Tàu, Cà Mau ở miền Nam... đều quá tải du khách. Quá tải nhưng vui vì đã thấy du lịch hồi sinh rõ nét. Không chỉ là người trong ngành du lịch mà nhiều ngành khác cũng mừng thầm vì du lịch phát triển luôn tạo ra nhiều giá trị, cơ hội khác.

Nhưng có một thứ liên quan mật thiết với du lịch mà chẳng ai mong nó hồi sinh, ấy là nạn "chặt chém". Tệ trạng này rất dễ xảy ra sau một thời gian dài "đói khách", bên cung ứng dịch vụ thường có tâm lý "mài dao cả năm, chém một ngày".

Trước kỳ nghỉ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Công điện số 381/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5-2022; trong đó yêu cầu "các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch; giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch"... Chính quyền các tỉnh, thành cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra và chế tài nghiêm các trường hợp "chặt chém", nếu có.

Đây không chỉ là nhiệm vụ tạm thời tại riêng kỳ nghỉ lễ này mà những gì làm được và chưa được bây giờ sẽ ảnh hưởng đến tiến trình hồi phục của du lịch Việt Nam từ nay về sau. Một vài dẫn chứng để thấy: Sau vụ chìm canô làm chết 17 người trên biển Cửa Đại (Hội An) hôm 26-2 thì vào dịp 30-4 và 1-5 năm nay, lượng khách ra đảo Cù lao Chàm chỉ đạt hơn 1/5 so với cùng dịp năm trước. Dù rằng có nguyên nhân thời tiết bất lợi nhưng cái chính là do tâm lý lo sợ không an toàn.

Hay trường hợp nhà hàng C.S ở Nha Trang tính hóa đơn 42,5 triệu đồng cho 22 thực khách ăn hải sản, dù đúng - sai chưa ngã ngũ nhưng khi chuyện được đưa lên mạng xã hội thì mấy ngày qua, theo người đại diện của C.S, lượng khách đến nhà hàng này giảm hẳn. Hay một công ty vận tải thủy ở Quảng Ninh cũng bị khách tố bán ghế phụ, chở quá số người mà vẫn cho khởi hành ra đảo Cô Tô; sau đó công ty phải xin lỗi, hoàn tiền cho hành khách này...

Ai làm ăn chụp giật, "chặt chém" thì trước tiên người đó tự bắn vào chân mình. Nhưng phát súng ấy cũng gây sát thương với du lịch địa phương và với cả ngành du lịch toàn quốc với "thể trạng" còn yếu, đang tìm đà gượng dậy. Do vậy, sự quyết liệt của các địa phương và của ngành du lịch (trong đó có cả người dân tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm) vì một môi trường du lịch trong sạch, thân thiện, an toàn là rất quan trọng, quyết định đến sự sống còn của ngành "công nghiệp không khói" của nước ta.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...