• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để bình đẳng về quyền lợi cho lao động nữ không còn là chuyện “to và khó”

Ngày 8.3 năm 1952, trong bài “Nam nữ bình quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó”.

Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng (tháng 2.1930) thảo luận, thông qua. Cương lĩnh tuy ngắn gọn, chỉ có 282 chữ nhưng đã có một nội dung được nhấn mạnh: Nam nữ bình quyền.

Suốt chặng đường dài lịch sử, Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách để tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ. Nhưng nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó không phải là việc dễ.

Đơn cử, về thu nhập giữa lao động nam và nữ có sự chênh lệch. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 thu nhập bình quân của lao động nam là 8,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,0 triệu đồng. Mức chênh lệch này lên đến gần 25%.

Một số khảo sát khác cũng cho thấy, cùng thời gian làm việc, cùng trình độ nhưng thu nhập của một lao động nữ cũng thấp hơn từ 10-15% so với đồng nghiệp nam.

Cũng năm ngoái, Tổng LĐLĐVN tiến hành một cuộc khảo sát về “Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” đã đưa ra con số đáng suy ngẫm: Chỉ có 3,7% người lao động trong mẫu khảo sát có tiền tích lũy hằng tháng; 54% lao động nữ di cư khi đến nơi nhập cư đều thuê nhà ở, không có nhà riêng. Họ thường ở trong những khu nhà trọ có điều kiện chật chội, không gian nhỏ, thiếu không gian sinh hoạt, gần 50% lao động nữ di cư ở khu nhà dưới 20m2; thiếu thốn vật chất, tiện nghi chiếm hơn 50%.
Lý do được đưa ra là lao động nữ thường tập trung ở những ngành nghề lao động giản đơn, không đòi hỏi trình độ cao.

Ngoài ra, việc cân bằng giữa thời gian làm việc và thời gian chăm sóc gia đình cũng là rào cản khiến phụ nữ khó thăng tiến và thêm cơ hội tăng thu nhập.

Theo các quy định hiện hành thì có tới 15 quyền lợi chỉ có lao động nữ được hưởng như được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; được lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ nếu doanh nghiệp sử dụng hơn 1.000 lao động nữ; được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mang thai…

Vấn đề là việc thực hiện các quyền lợi này tại không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị xem nhẹ. Đây là điều mà vai trò của tổ chức Công đoàn cần nâng cao hơn nữa để lao động nữ hiểu tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.

Ngoài ra, cụ thể hoá những giải pháp, mở rộng nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải pháp như: Hỗ trợ xây nhà trẻ, xây nhà cho công nhân thu nhập thấp, hạn chế tín dụng đen, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ số hoặc các nền tảng học tập trực tuyến…
Trên thực tế, thực hiện triển khai Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiều hoạt động sáng tạo, đổi mới trong công tác nữ công, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đã và đang diễn ra.

Trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, bình đẳng về quyền lợi cho lao động nữ vẫn phải là một trọng tâm. Bởi đây là yếu tố tạo ra niềm tin, chỗ dựa tin cậy thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết