• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện những công nhân ăn Tết muộn

Sau Tết, khi nhiều người lao động (NLĐ) lên đường trở lại công trường, doanh nghiệp để làm việc, thì có nhiều NLĐ ngoại tỉnh ở Quảng Nam bắt đầu về quê ăn Tết muộn vì bận mưu sinh xuyên Tết. Tuy về quê trễ, ăn Tết muộn, nhưng họ đã vui vẹn cả đôi đường...

Chuyện những công nhân ăn Tết muộn

Anh Nguyễn Văn Hòa, công nhân tại Quảng Nam (bìa phải) ở lại làm xuyên Tết, nay chuẩn bị về quê đón Tết muộn với gia đình. Ảnh: Hoàng Bin

Ăn Tết muộn vẫn vui

Anh Nguyễn Văn Hòa (27 tuổi, quê ở Nghệ An), là công nhân Công ty Hyosung tại Khu công nghiệp Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Tết, anh Hòa không về quê nên cha mẹ liên tục gọi điện hỏi thăm.

“Ba mẹ biết tôi ở lại làm xuyên Tết nên nhắn nhủ, không về kịp đón Tết thì về ăn Tết muộn cũng vui, miễn là con về với gia đình. Biết cả nhà mong nên tôi đang sắp xếp để về trong tháng giêng này” - anh Hòa nói.

Anh Hòa kể, sau mấy năm vất vả, tìm việc nhiều nơi do dịch bệnh, năm vừa rồi mới có việc làm ổn định ở Quảng Nam và vừa lập gia đình. Dù mong về quê nhưng tính toán chi phí tiền xe ra vào và những chi phí khác để sắm sửa Tết... anh Hòa quyết định đăng ký ở lại làm thêm vào mấy ngày Tết, với tiền lương gấp 3 lần. Sau Tết, tích cóp được một khoản, anh về quê ăn Tết muộn với gia đình.

Gần 4 năm qua, chị Trần Thị Hoa, 25 tuổi, quê Đắk Lắk không đón giao thừa cùng gia đình. Năm 2019, dịch bệnh bùng phát, chị Hoa đang làm công nhân tại Bình Dương chuyển về Quảng Nam làm việc.

Vì hoàn cảnh khó khăn, ngày Tết, chị Hoa hy sinh thời gian đoàn viên bên gia đình, chấp nhận làm ăn xa để có thêm một khoản thu nhập, gửi về cho mẹ và em trai lo liệu, sắm Tết.

“Năm nay, tôi đã thu xếp về quê vào ngày mùng 10 Tết để ăn bữa cơm đoàn viên với gia đình. Dù muộn nhưng đây sẽ là cái Tết vui nhất từ trước đến nay...” - chị Hoa chia sẻ.

Giữ chân lao động hồi hương

Trước đây, sau những ngày Tết về quê sum họp cùng gia đình, hàng nghìn NLĐ của Quảng Nam lại lục tục lên đường trở lại các thành phố lớn làm việc. Kể từ sau dịch COVID-19 năm 2019, làn sóng lao động hồi hương được chính quyền và doanh nghiệp quan tâm, tạo việc làm, đã giữ chân một bộ phận NLĐ về quê ăn Tết và ở lại làm việc.

Ông Han Chul Joon - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (lĩnh vực may, dệt, nhuộm) - doanh nghiệp hiện có số lượng NLĐ lớn nhất tại KCN Tam Thăng với hơn 10.000 lao động cho hay, từ khi dịch bệnh bùng phát, nhà máy của công ty tại Bình Dương phải dừng hoạt động, toàn bộ đơn hàng được chuyển về nhà máy tại Quảng Nam sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời cho đối tác. Do đó, số lượng công nhân tăng rất nhanh.

“Chúng tôi biết tỉnh đang có nhiều chính sách hỗ trợ lao động về quê, trong đó có việc tạo việc làm. Công ty chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận nguồn lao động về từ các tỉnh. Nếu lao động có trình độ tốt, chúng tôi có thể tiếp nhận và đào tạo dần để thay thế chuyên gia nước ngoài. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho công ty và cho cả NLĐ nếu có nguyện vọng quay về Quảng Nam, ở lại lâu dài và làm việc ổn định” - ông Han Chul Joon nói.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam, chỉ trong tháng 2, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn lên đến hơn 5.000 chỉ tiêu, trong đó đa dạng từ lao động phổ thông đến chuyên gia nên NLĐ sẽ có cơ hội việc làm phù hợp.

Qua khảo sát của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam vào đầu năm 2024, tiền lương trung bình của NLĐ trong các loại hình doanh nghiệp của tỉnh hiện đạt hơn 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 21% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Quí Quí, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam đánh giá, trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp có thể tuyển thêm lao động và đảm bảo thu nhập ổn định là một tín hiệu đáng mừng. NLĐ về quê có việc làm tại doanh nghiệp, cũng đồng nghĩa với chính sách an sinh xã hội dành cho nhóm lao động này được hiện thực hóa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết