• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện về những người làm báo không chuyên

Bất kỳ cơ quan báo chí nào muốn tồn tại và phát triển thì ngoài những nhà báo được biên chế chính thức ở tòa soạn, còn phải cần đến đội ngũ cộng tác viên. Đó là những người cầm bút, cầm máy không chuyên, đóng góp tác phẩm cho báo, đài bằng tinh thần tự nguyện.

Chuyện về những người làm báo không chuyên

Ông Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (đứng giữa) chúc mừng nhóm phóng viên, cộng tác viên của Báo Lao Động đoạt giải Búa Liềm Vàng năm 2023 (Đại tá Đỗ Phú Thọ đứng thứ 2, từ trái sang). Ảnh: Ái Vân

Trong đội ngũ cộng tác viên, có lực lượng nòng cốt là “thông tin viên” hay còn gọi là “thông tín viên” là những người cộng tác thân thiết, tin cậy có “hồ sơ quản lý ở trong tòa soạn”. Trước kia một số cơ quan báo chí đã cấp “Thẻ thông tín viên” cho lực lượng này.

Là một trong những thông tin viên gắn bó lâu năm với Báo Lao Động, mỗi lần về thăm tòa soạn, tôi lại có cảm giác như người đi công tác xa được trở về ngôi nhà thân thương của mình. Các đồng chí cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo đón tiếp tôi cũng chẳng khác gì người thân của mình. Không chỉ có tôi mà rất nhiều cộng tác viên “ruột” của Báo Lao Động đều có cảm nhận như vậy.

Nhờ có lực lượng cộng tác viên, thông tin viên đông đảo thu thập thông tin từ công chúng, chuyển tải tâm tư, tình cảm của bạn đọc đến với báo mà Báo Lao Động đã trở thành một trong những cơ quan báo chí được công chúng yêu thích, chia sẻ “Muốn hiểu ý Đảng thì đọc báo Nhân Dân, muốn hiểu lòng dân thì đọc Báo Lao Động”.

Mấy chục năm trước, khi chưa có internet và mạng xã hội, chúng tôi thường gửi tin, bài ảnh theo bưu điện hoặc trực tiếp đến Tòa soạn (lúc đó Tòa soạn ở phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm). Vài năm gần đây, nhờ có công nghệ làm báo hiện đại mà việc gửi tác phẩm của các cộng tác viên cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn. Khi cần đặt bài, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn chỉ cần “A lô”, “chat” trên điện thoại, máy tính, mạng xã hội. Gửi tác phẩm đi, có khi chỉ khoảng 15 phút sau đã thấy xuất hiện trên Báo điện tử.

Mấy năm trước, tôi đã từng có “định nghĩa vui về “phóng viên” và “thông tin viên” đăng trên Tạp chí Người làm báo: “Phóng viên, viết tắt là PV, có nghĩa là phải viết. Còn “thông tín viên”, viết tắt là TTV, có nghĩa là “thích thì viết”, “tranh thủ viết”. Vì thế, điều quan trọng nhất để có đội ngũ thông tin viên nhiệt tình, trách nhiệm là các cơ quan báo chí phải tạo điều kiện thuận lợi, tạo nguồn cảm hứng để các cộng tác viên “thích thú viết” và “tranh thủ viết”. Báo Lao Động đã làm rất tốt công việc này.

Thực tế cho thấy, thành công hay thất bại của một cơ quan báo chí phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên. Nếu phát huy tốt trí tuệ và vai trò của lực lượng cộng tác viên, cơ quan báo chí sẽ có nhiều tác phẩm kịp thời, nhanh nhạy, phong phú, sâu sát cơ sở, từ đó sẽ làm cho nội dung thêm hấp dẫn.

Nhiều tác phẩm được giải Báo chí quốc gia, giải Búa Liềm Vàng, trong đó có những tác phẩm đăng trên Báo Lao Động là sự kết hợp giữa phóng viên và cộng tác viên.

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã từng khẳng định: “Công tác cộng tác viên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ tòa soạn báo nào. Cần tập hợp trí tuệ của đội ngũ cộng tác viên để phản ánh sát thực tiễn, nêu những vấn đề thực tiễn địa phương đang đặt ra”.

Để làm được điều này, mỗi cơ quan báo chí cần phải có chiến lược cụ thể về phát triển mạng lưới cộng tác viên hợp lý, bảo đảm nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin chúc các nhà báo không chuyên nói chung và đội ngũ cộng tác viên của Báo Lao Động nói riêng, dồi dào sức khỏe, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp báo chí nước nhà.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết