• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đông Nam Á đặt cược hàng chục tỉ USD vào thủy điện tích năng

Công suất lắp đặt thủy điện tích năng của Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng từ 2,3 GW lên 18 GW vào năm 2033.

Đông Nam Á đặt cược hàng chục tỉ USD vào thủy điện tích năng

Cụm công trình cửa xả của dự án thủy điện tích năng Bác Ái ở Ninh Thuận. Ảnh: Năng lượng sạch Việt Nam

Philippines, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đang đầu tư lớn và có các chính sách khuyến khích phát triển thủy điện tích năng. Nguồn năng lượng này có thể giúp khu vực chuyển giao từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo - theo trang Oilprice.

Thủy điện tích năng được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á trong tương lai. Công suất lắp đặt thủy điện tích năng ở Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng gấp 8 lần - từ 2,3 gigawatts (GW) vào năm 2024 lên 18 GW vào năm 2033. Đồng thời, nó cũng thu hút một lượng đầu tư khoảng 12 đến 70 tỉ USD.

Với 64% nguồn năng lượng của khu vực đến từ nhiên liệu hóa thạch, các biện pháp dự trữ năng lượng xanh là vô cùng quan trọng để tăng tính linh hoạt của hệ thống điện, nhất là trong bối cảnh những nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió dần được tích hợp.

Hiện nay, 2,7 GW của thủy điện tích năng đang được xây dựng và 13,3 GW còn lại đang trong các giai đoạn khác nhau. Dù Thái Lan đang tự hào có công suất hiện tại ấn tượng nhất khu vực, song Philippines sẽ sớm vượt mặt nước này với công suất 5,7 GW.

Các quốc gia khác trong khu vực đang đầu tư vào thủy điện tích năng bao gồm Việt Nam (4,5 GW) và Indonesia (4,2 GW). Thái Lan cũng sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của khu vực trong năm 2033, với 1,6 GW đang được dự tính đưa vào phát triển.

Bà Nevi Cahya Winofa - chuyên viên phân tích năng lượng tái tạo của công ty Rystad Energy nhận định rằng: “Thủy điện tích năng là một giải pháp hứa hẹn đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang dần tăng trong khu vực. Điều này đặc biệt quan trọng cho việc duy trì sự đáng tin cậy của hệ thống lưới điện trong bối cảnh Đông Nam Á đang tích hợp thêm nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chiến lược và phát triển phải thực hiện tốt công tác quản lý rủi ro trước những nguy cơ và bất trắc khi đưa thủy điện tích năng vào hoạt động.

Bộ Năng Lượng Philippines đang tích cực điều phối công nghệ dự trữ năng lượng, bao gồm thủy điện tích năng. Trong chương trình đấu giá năng lượng xanh (GEAP 3) sắp diễn ra vào nửa sau của năm 2024, Bộ Năng Lượng Philippines dự định sẽ đem lại 3,1 GW thủy điện tích năng.

Tương tự, Quy hoạch điện VIII của Việt Nam đặt mục tiêu đạt được 2,4 GW thủy điện tích năng vào năm 2030, với những dự án như Bác Ái và Ninh Sơn đang trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, Indonesia, Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực cũng đang tạo ra những bước tiến nhất định trong xây dựng chính sách liên quan đến thủy điện tích năng.

Các công ty nhà nước đang đi đầu về các dự án thủy điện tích năng ở Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Xu hướng này khá dễ thấy đối với 3 nhà phát triển lớn nhất Đông Nam Á có sở hữu nhà nước khá đáng kể. Công ty PLN của Indonesia đang đi đầu khu vực với công suất 3,7 GW.

Việc chi phí ban đầu quá cao và thời gian thu hồi vốn đầu tư quá lâu khiến cho các dự án về thủy điện tích năng kém phần hấp dẫn đối với các công ty tư nhân.

Tuy nhiên, Philippines không đi theo xu hướng chung này. Khác với các nước láng giềng, đất nước này có thị trường điện cạnh tranh cả về sản xuất lẫn phân phối. Sự cạnh tranh này tạo ra giá điện bán buôn biến động mạnh so với các thị trường được điều tiết. Điều này khiến cho thủy điện tích năng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà phát triển ở Philippines.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết