• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để tiểu thương không "tát giá theo lương" được

Chuẩn bị tăng lương, vẫn câu chuyện cũ đặt ra, đó là liệu giá có tăng theo lương như những lần trước. Lần nào cũng vậy, các cơ quan quản lý đều tuyên bố phải kiểm soát giá cả, không cho thiết lập mặt bằng mới khi tăng lương. Nhưng thực tế có câu trả lời rằng, giá vẫn cứ tăng và không kiểm soát được.

Nhiều chuyên gia quả quyết, tăng lương chỉ liên quan đến khu vực công và quy mô không lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát, nhưng đã bao lần tăng lương, giá vẫn cứ tăng khiến cho người hưởng lương vẫn sinh hoạt theo mức cũ, vì lương chỉ đủ bù chênh lệch tăng của giá.

Thậm chí, khi lập mặt bằng giá mới, bộ phận lao động không hưởng lương chịu thiệt thòi, bởi vì họ không được tăng lương, nhưng phải chịu giá sinh hoạt cao do một số hàng hóa và dịch vụ tăng. Hóa ra, mục đích tăng lương để nâng cao chất lượng sống của người hưởng lương không đạt, lại còn làm tổn thương đến nhóm người thu nhập thấp trong xã hội.

Nói thẳng thắn như vậy để thấy rằng, kiểm soát giá cả không cho ăn theo kỳ tăng lương là cần thiết, để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa, mang lại lợi ích thiết thực cho người hưởng lương. Nếu không, chỉ có con số thay đổi, nhưng giá trị đồng tiền vẫn như trước, có khi còn thấp hơn, người lao động vẫn chịu chất lượng sống thấp vì lạm phát.

Quan sát thị trường mỗi đợt tăng lương, các chuyên giá chỉ ra một thực tế, đó là tiểu thương ở các chợ truyền thống thường chủ động tăng giá, từ đó kéo theo tăng giá chung các loại hàng hóa, dịch vụ. Điều này rất đúng, nhưng tiểu thương không còn dễ dàng làm mưa làm gió như trước.

Bởi vì hiện nay, hệ thống siêu thị phát triển bao phủ ở các đô thị, chợ truyền thống ngày càng bị thu hẹp. Nếu như giá cả hàng hóa trong hệ thống siêu thị được kiểm soát, ổn định, thì các tiểu thương ở chợ truyền thống không thể tăng giá được. Người tiêu dùng có nhiều địa chỉ giá rẻ hơn để lựa chọn, thậm chí ngồi ở nhà mua hàng online vẫn có giá rẻ.

Nhưng để giữ mặt bằng giá hàng hóa ở hệ thống siêu thị ổn định, ngoài vai trò của các cơ quan quản lý, cần có sự chủ động của siêu thị với nhà cung cấp. Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cùng siêu thị tìm giải pháp hài hòa lợi ích, hỗ trợ người tiêu dùng. Bán được nhiều sản phẩm để thu lợi còn hơn tăng giá nhưng tiêu thụ kém.

Người lao động hưởng lương đang chờ đợi một kỳ tăng lương có ý nghĩa thực sự, tăng một đồng lợi được một đồng. Được như thế hay không còn chờ năng lực quản lý điều hành của các cơ quan quản lý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết