Cảnh báo thủ đoạn lợi dụng các hội nhóm liên quan tới công nhân để lừa đảo
Theo Bộ Công an, các đối tượng xấu đang lợi dụng các hội nhóm liên quan đến công nhân để phát tán thông tin lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, kêu gọi đầu tư, làm nhiệm vụ ảo... gây phức tạp tình hình trật tự an toàn xã hội.
Mất 216 triệu đồng vì bị lừa sửa thông tin trên VneID
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị Vũ Hiền (tên đã thay đổi), công nhân Công ty Nissei Electrict Việt Nam, (Khu chế xuất Linh Trung 1, TPHCM) chưa hết buồn bã, bức xúc vì bị lừa đảo qua mạng mất hết 216 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm online.
Chị Hiền kể, ngày 21.10 vừa qua, khi vừa đi làm về, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo hình ảnh, vân tay của chị trên ứng dụng VNeID bị mờ, chị phải về quê ở tỉnh Tiền Giang để thay đổi. Khoảng 10 phút sau, lại có một người khác tự nhận là Công an ở xã nơi chị H. cư trú nói hồ sơ làm Căn cước công dân định mức 2 của chị đã chuyển lên tỉnh Tiền Giang và nói sẽ giúp đỡ chị hoàn thành hồ sơ, rồi hỏi tình trạng app VNeID của chị hiện nay màu xanh hay màu đỏ.
Khi chị nói app VNeID của chị hiện màu xanh, người này nói rằng, app VNeID màu xanh hiện nay không còn an toàn mà phải màu đỏ mới an toàn và nói sẽ hỗ trợ, đồng thời đọc những thông tin về nhân thân, nơi cư trú của chị.
Tiếp đó, người này hỏi chị có dùng tài khoản ngân hàng online hay không, làm sinh trắc học chưa và nói hỗ trợ chị để làm bảo mật ngân hàng tốt hơn đồng thời, nói chị mở app của ngân hàng đang cài đặt trong điện thoại ra để thay đổi mật khẩu, chuyển thử cho người này 6.000 đồng. Khi chị H. nói không chuyển tiền, người này nói không phải chuyển cho anh ta mà chuyển về cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để hỗ trợ từ thiện, nói chị tắt điện thoại đi để chờ 24 giờ sau sẽ có kết quả.
“Thế nhưng, chỉ một lúc sau, khi tôi kiểm tra lại tài khoản ngân hàng thì tá hỏa vì toàn bộ tiền gửi tiết kiệm online 216 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của tôi đã bị mất sạch. Đến lúc này tôi mới biết bị lừa đảo”, chị Hiền sụt sùi kể.
Chị Hiền không phải là công nhân duy nhất bị lừa. Sau khi chồng mất vì COVID-19, chị Lê Diện (tên đã thay đổi) cũng là công nhân của Công ty Nissei Electric Việt Nam, lên mạng nhận việc làm thêm theo quảng cáo. Cứ mỗi lần chuẩn bị được nhận tiền, phía thuê lại tìm lý do nói chị chưa đủ điều kiện nhận tiền. Đến khi chị làm ước tính được hơn 200 triệu đồng, phía bên kia nói để lấy được số tiền công ra, chị Diện cần phải nạp tài khoản do họ chỉ định một khoản tiền tương ứng. Tin lời, tiếc công mình làm cặm cụi suốt mấy tháng, chị Diện chuyển tiền vào tài khoản bên kia chỉ định và mất trắng hơn 200 triệu đồng.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp công nhân tránh bị lừa đảo qua mạng
Một hình thức lừa đảo qua mạng khác mà Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động cũng thường xuyên nhận được thông tin để xin tư vấn là có người quen trên mạng gửi quà kèm lượng lớn tiền mặt (thường là USD) từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, có người gọi điện thoại nói hàng đến Việt Nam, phải đóng số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu vào tài khoản để lấy hàng ra.
Có trường hợp khi được chúng tôi tư vấn là bị lừa đảo, bạn đọc đã trả lời cho “người nước ngoài” thì người này còn dọa nếu không thực hiện chuyển tiền cho họ thì Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ theo dõi, bắt bỏ tù 21 năm. Chỉ sau nhiều lần chúng tôi tư vấn là đang bị lừa đảo, cuối cùng bạn đọc mới thoát được cú lừa này.
Tại buổi giao ban dư luận xã hội với cán bộ công đoàn TPHCM mới đây, Thượng tá Đỗ Minh Kim, Phó Trưởng phòng 3, Cục A05 (Bộ Công an) cho biết, hiện nay các đối tượng xấu đang lợi dụng các hội nhóm liên quan đến công nhân, tác động qua nhiều kênh khác nhau mà không công khai kêu gọi trực tiếp, để phát tán thông tin lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, kêu gọi đầu tư, làm nhiệm vụ ảo, lô đề, đánh bạc... gây phức tạp tình hình trật tự an toàn xã hội.
Thượng tá Kim cũng cho biết, một số công ty cho thuê tài chính và ứng dụng vay tiền lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của công nhân, thu thập thông tin cá nhân để móc nối với các nhóm lừa đảo. Thậm chí, họ mở thẻ ATM cho công nhân rồi bán lại cho các đối tượng lừa đảo.
Thượng tá Kim đề nghị, công đoàn cũng như doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền về tội phạm mạng, giúp cho công nhân lao động nắm bắt được những phương thức tấn công lừa đảo phổ biến cũng như cách tự bảo vệ bản thân.