• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà giáo vẽ tranh

Triển lãm tranh “Những sắc màu nhà giáo” mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) của của nhà giáo - họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh và nhóm họa sĩ sẽ khai mạc chiều ngày 13.11 và kéo dài đến hết 22.11.2023 tại nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Có 5 tác giả tham gia triển lãm lần này, mỗi tác giả từ 10-15 tranh là 4 nhà giáo (Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Văn Lanh, Nguyễn Viết Thường, Nguyễn Thị Kim Oanh) và 1 nhiếp ảnh gia Lại Diễn Đàm).

Trong số các tác giả, một gương mặt đáng chú ý là nhà giáo, họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, đã có bề dày 30 năm ở Bộ Giáo dục Đào tạo làm công tác quản lý việc giảng dạy mỹ thuật trong nhà trường (từ năm 1983 đến 2013).

Nhiều năm làm quản lý, tưởng như niềm đam mê hội họa đã lặng yên nào ngờ nó lại trỗi dậy khi ông nghỉ công tác để cầm lại bút vẽ. Năm 2018, ông bắt đầu cầm lại bút vẽ với chất liệu chủ yếu là acrylic và sơn dầu, chủ đề chính là phong cảnh, tĩnh vật…

“Vương vấn mùa thu” cỡ 50x70cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.

“Vương vấn mùa thu” cỡ 50x70cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.

Ông kể khi mới cầm lại bút vẽ những năm đầu, việc làm quen với chất liệu, đề tài gặp chút khó khăn, nhưng niềm đam mê mãnh liệt đã giúp ông ngày càng sáng tác thuận lợi hơn. Ông chỉ vẽ theo cảm hứng, bởi thế không có thời gian vẽ cố định, hứng lên là vẽ vì sợ cảm xúc sẽ trôi đi mất.

Nhiều bức tranh gắn liền với các kỷ niệm của ông như lần về quê, ngắm cảnh sắc ở nơi tuổi thơ mình đã sinh ra lớn lên, ở xã Tân Khang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, nơi khởi binh của nữ tướng Triệu Thị Trinh, tự nhiên cảm xúc trỗi dậy. Ông vẽ liền một mạch xong bức tranh phong cảnh.

Đây là lần thứ 4, nhà giáo, họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh tham gia triển lãm nhóm, trước đó là các triển lãm “Sắc thu”, “Ngày gặp lại”, ngoài ra, ông còn tham gia triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội nhân kỷ niệm ngày tiếp quản Thủ đô (10.10) hàng năm.

Khi được hỏi nhà giáo vẽ tranh có điểm gì đặc biệt, nhà giáo Nguyễn Hữu Hạnh trả lời: Họa sĩ vẽ tranh là làm nghề chuyên nghiệp, còn nhà giáo giảng dạy là chính, vẽ chỉ là đam mê, sở thích trong thời gian rỗi.

Nhưng chính vì thế, nhà giáo vẽ tranh có sự thú vị riêng. Một số người yêu hội họa cho rằng tranh của nhà giáo, họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh bình dị, mộc mạc, ấm cúng mang cảm xúc của một nhà giáo yêu nghề, yêu thiên nhiên, yêu trẻ con, nên dễ được đón nhận.

Ở triển lãm lần này, ông bày 15 bức, khổ lớn nhất 120cmx150cm.

Nhà giáo, họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh từng tham gia biên soạn chương trình Tiểu học, Trung học cơ sở, là tác giả sách giáo khoa Mỹ thuật từ lớp 1 đến lớp 9, tác giả Vở thực hành Mỹ thuật lớp 1,2,3,4,5 và lớp 9; từng phụ trách dự án “Hỗ trợ giáo dục Mỹ thuật cấp Tiểu học” do Đan Mạch tài trợ, và một số dự án, đề tài về Mỹ thuật…

Ông cũng nhiều năm làm giám khảo cho các cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi uy tín như cuộc thi “Chiếc ôtô mơ ước”, “Ý tưởng trẻ thơ”, “Học sinh và an toàn giao thông”, “Ngôi nhà mơ ước”, “Đan Mạch trong mắt em”… và đặc biệt là cuộc thi triển lãm tranh quốc tế 2 năm /lần Nigata (Nhật Bản).

Giờ đây, bên cạnh việc vẽ tranh, ông vẫn tiếp tục tham gia nhiều dự án chương trình mỹ thuật cho trẻ em bởi với bề dày hàng chục năm gắn bó, tiếp xúc với trẻ em, làm sách cho trẻ em, ông rất hiểu và gắn bó với trẻ em.

Một số bức tranh tiêu biểu của hoạ sĩ Nguyễn Hữu Hạnh:

“Chiều tím” cỡ 50x70cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.

“Chiều tím” cỡ 50x70cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.

“Nắng mật ong” cỡ 50x70cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.

“Nắng mật ong” cỡ 50x70cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.

“Phong cảnh quê tôi” cỡ 100x120cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.

“Phong cảnh quê tôi” cỡ 100x120cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.

“Bên hồ” cỡ 60x 80cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.

“Bên hồ” cỡ 60x 80cm của nhà giáo- họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết