Một thế hệ đạo diễn mới trên thị trường phim Việt
Điện ảnh Việt đang cho thấy tiềm năng của những đạo diễn mới, trong đó, không ít người thành công ngay từ dự án đầu tay. Tuy nhiên, thị trường phim cũng cho thấy sự khốc liệt và đầy thách thức.
Đạo diễn Hoàng Nam của Đèn âm hồn. Ảnh: Nhà sản xuất
Điện ảnh Việt đa dạng nhờ thế hệ đạo diễn mới
Ngoài những cái tên quen mặt với khán giả thời gian qua như: Lý Hải, Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ... thời gian gần đây, điện ảnh Việt còn có thêm Thu Trang, Hoàng Nam, Trần Thanh Huy, Trịnh Đình Lê Minh, Lưu Thành Luân... Họ đang nỗ lực tạo dấu ấn với khán giả.
Tính đến chiều 17.2, doanh thu của phim “Nụ hôn bạc tỉ” do Thu Trang đạo diễn thu gần 195 tỉ đồng, theo ghi nhận từ Box Office Vietnam. Như vậy với bộ phim đầu tiên trong vai trò là đạo diễn, Thu Trang đã có mặt trong danh sách những đạo diễn có phim trăm tỉ.
Cuộc đua phòng vé vừa xuất hiện thêm cái tên “Đèn âm hồn”. Đạo diễn Hoàng Nam lần đầu lấn sân sang điện ảnh, tự mình đảm nhận hầu hết các vị trí quan trọng khác như biên kịch, nhà sản xuất, giám đốc sáng tạo phim “Đèn âm hồn”. Dù bị chê về kịch bản, diễn xuất, “Đèn âm hồn” vẫn thu hơn 94 tỉ đồng.
Thời gian tới, vào ngày 20.2, khán giả cũng được xem phim của Huỳnh Lập với tên gọi “Nhà gia tiên”. Là một đạo diễn trẻ, “Nhà gia tiên” là phim điện ảnh thứ 2 của Huỳnh Lập. Trước đó, anh sản xuất, đạo diễn và đóng chính phim “Pháp sư mù: Ai chết giơ tay”.
Huỳnh Lập được xem là một ca lạ của điện ảnh Việt. Anh xuất thân từ một đạo diễn, diễn viên mạng. Sau đó, anh lấn sân vào lĩnh vực hài, phim ảnh và tạo được dấu ấn. Nỗ lực của Huỳnh Lập là minh chứng cho thấy một thế hệ đạo diễn trẻ nhiệt huyết và mong muốn khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng công chúng.
Nhìn chung, việc Việt Nam có thêm những đạo diễn mới là một tín hiệu đáng mừng cho ngành điện ảnh. Từ đó, nhiều tác phẩm được tạo ra, tăng thêm sức hút và sự cạnh tranh khiến ngành điện ảnh có nhiều bứt phá về nội dung lẫn doanh thu. Tuy nhiên, đạo diễn là một công việc khó với nhiều thách thức.
Thách thức
Mai Thu Huyền từng thực hiện nhiều bộ phim như: Giấc mơ Mỹ, Đóa hoa mong manh... Cô nuôi tham vọng lớn với điện ảnh, nhưng hầu hết các tác phẩm đều bị chê thảm họa, chịu cảnh thua lỗ nặng nề. Ngoài những cái tên bị chê về chất lượng phim, kịch bản, chỉ đạo diễn xuất, thị trường phim còn khắc nghiệt với cả những cái tên được đánh giá có thực lực.
Năm 2024 Trịnh Đình Lê Minh gây ấn tượng với “Ngày xưa có một chuyện tình” chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trước đó đạo diễn 8X từng cầm trịch một số phim điện ảnh như Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình… Anh được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 (năm 2021) với phim “Bằng chứng vô hình”.
Trịnh Đình Lê Minh được khán giả khen có tư duy điện ảnh tốt nhưng anh lại không có duyên với doanh thu phòng Vé Việt. Nhiều dự án anh cầm trịch đều không có doanh thu cao, trong đó “Bằng chứng vô hình” thất bại ngoài phòng vé. Bộ phim được kỳ vọng như “Ngày xưa có một chuyện tình” chỉ thu 40 tỉ đồng, chưa thể hoàn vốn.
Việc non tay, thiếu kinh nghiệm, khó nắm bắt thị hiếu khán giả của các đạo diễn tạo ra khó khăn cho chính họ ở thị trường phim.
Khán giả hiện nay đã rất khác, chỉ với một cú “click” chuột, họ đã có thể tận hưởng trải nghiệm điện ảnh với những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất thế giới trên các nền tảng số. Tư duy, trình độ, khả năng thẩm định của khán giả ngày càng vượt xa chất lượng phim Việt.
Khán giả ngày càng khắt khe hơn, khó tính hơn. Bởi vậy, nếu các đạo diễn không theo kịp thị hiếu khán giả, không nâng cao trình độ làm phim, chỉ dựa vào vận may sẽ rất khó tồn tại.