Lo sợ thói côn đồ lộng hành: Ngăn chặn từ gốc
Thay đổi một số quy định, điều chỉnh khung hình phạt; khởi tố vụ án nhanh; áp dụng hình phạt thích đáng, nghiêm minh trong xét xử để tăng tính răn đe.
Bạn đọc Chung Thanh Huy:
Xử phạt nghiêm minh
"Côn đồ" được hiểu là hành động của những người coi thường pháp luật, phá rối trật tự trị an, sẵn sàng và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình... Có nhiều vụ án giữa nạn nhân và tội phạm không hề quen biết, không có mâu thuẫn để phải động tay động chân nhưng vì hiếu thắng, muốn chứng tỏ mình trước bạn bè mà gây thương tích cho người khác.
Theo Bộ Luật Hình sự (BLHS), "có tính chất côn đồ" là tình tiết định khung tăng nặng trong tội "Giết người" và tội "Cố ý gây thương tích". Tuy nhiên, thực tế xét xử cho thấy việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "có tính chất côn đồ" chưa có sự áp dụng thống nhất, trong một số trường hợp, tòa án đã không áp dụng hoặc áp dụng không đúng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự "có tính chất côn đồ".
Trong khi đó, đối tượng thực hiện hành vi "có tính chất côn đồ" thường là những người liên quan đến nhiều tệ nạn xã hội, thích gây sự, hành hung người khác và nền tảng của "tính chất côn đồ" cũng được hình thành từ những hành vi sai trái nhỏ này.
Trước thực trạng tội phạm diễn biến phức tạp, văn bản hướng dẫn ban hành đã cũ, bộc lộ nhiều hạn chế nên trong một số trường hợp áp dụng giải quyết vụ án gặp khó khăn, cần có hướng dẫn cụ thể để việc đấu tranh và xử lý các hành vi côn đồ hiệu quả hơn, hạn chế tội phạm trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, cơ chế xử phạt hiện chưa đủ tính răn đe, đặc biệt là việc xác định thiệt hại của nạn nhân để yêu cầu bồi thường. Hiện xác định thiệt hại chỉ dừng lại ở việc xác định thiệt hại đã mất, không mở rộng cho việc xác định thiệt hại sẽ mất trong tương lai, mức bồi thường tối đa về tổn thất tinh thần vẫn bị giới hạn không quá 50 lần mức lương cơ sở. Đa phần việc bồi thường tổn thất cho nạn nhân trong các vụ việc này vẫn bất cập.
Vì lẽ đó, cần thay đổi một số quy định, điều chỉnh khung hình phạt; khởi tố vụ án nhanh; áp dụng hình phạt thích đáng, nghiêm minh để tăng tính răn đe.
11 đối tượng gây rối trước Redline Beer Club (quận 10, TP HCM) đã bị khởi tố (ảnh cơ quan công an cung cấp)
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Diễm: Gia đình phải là lá chắn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số người - nhất là thanh thiếu niên - không biết kiểm soát, làm chủ hành vi, quản lý cảm xúc; ngông cuồng, côn đồ, coi thường pháp luật. Trong đó, phần lớn ảnh hưởng từ cách ứng xử của các thành viên trong gia đình.
Một đứa trẻ được sinh ra, lớn lên trong gia đình không hạnh phúc, thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ xung đột, người lớn chủ yếu xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực…, cũng sẽ bắt chước, "nhiễm" từ trong nhận thức đến hành vi.
Đáng nói là khi trẻ là nạn nhân trực tiếp của những nắm đấm, những trận đòn roi thì lớn lên chúng cũng bộc lộ khuynh hướng giải quyết xung đột bằng bạo lực. Nói khác hơn, hình ảnh xung đột giữa cha mẹ, những người thân xung quanh bao giờ cũng để lại vết hằn sâu đậm trong tiềm thức của trẻ. Những ký ức ấy sẽ bộc phát thành hành động khi bị tác động từ những yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, ở nhà trường hiện nay vẫn còn thiên về kiến thức, coi nhẹ việc dạy làm người, dạy cách ứng xử trước những tình huống trong cuộc sống, các mối quan hệ xã hội. Những bài học giáo dục đạo đức còn khô khan, lý thuyết suông, chưa thấm sâu vào tâm hồn học trò, thiếu những bài học cuộc sống sinh động, đậm tình người, đặc biệt là những trải nghiệm hướng thiện cho học sinh.
Đó còn là những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, sự xâm nhập các thói hư tật xấu từ lối sống thực dụng dẫn đến quan hệ người với người lỏng lẻo, vô cảm. Nhiều thanh thiếu niên hiện bị ảnh hưởng từ game online hay các clip bạo lực, giang hồ cổ xúy lối sống vô tổ chức, tùy tiện...tràn lan trên mạng xã hội.
Đặc biệt, một số đối tượng có "thành tích" bất hảo được tung hô trên mạng xã hội, trở thành người có "ảnh hưởng", được quan tâm chào đón không khác gì "thần tượng" xuất hiện thời gian gần đây gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lệch chuẩn đạo đức, khủng hoảng giá trị sống của một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Từ tò mò, xem cho biết, không ít người dần nhiễm những thói hư tật xấu, hào hứng học theo, nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ gây những hiểm họa khó lường.
Để phân biệt, tránh xa lối sống tiêu cực, biết ứng xử có văn hóa đối với các mối quan hệ xã hội, phải bắt nguồn từ gia đình, bằng sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ để cảm hóa những suy nghĩ, hành vi sai trái.
Về phía nhà trường, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống một cách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ cho lối sống tích cực, yêu thương, tôn trọng người khác. Đồng thời nghiêm trị, răn đe các hành vi bạo lực, coi thường mạng sống người khác.
Trách nhiệm ở địa phương
Theo bạn đọc Liễu Liễu, gia đình cần có trách nhiệm theo dõi con em để có biện pháp giáo dục kịp thời. Đặc biệt, bên cạnh việc dùng pháp luật để xử lý nghiêm hành vi côn đồ, công an địa phương cần nắm rõ những đối tượng "nổi cộm" trên địa bàn để khi phát hiện có hành động lôi kéo, tập hợp nhóm thì xử lý, ngăn chặn ngay.
Đồng quan điểm, bạn đọc Hung Anh cho rằng trong các vụ dùng hung khí gây rối trật tự công cộng, trách nhiệm của địa phương rất lớn.
"Những đối tượng ăn chơi lêu lổng, hút chích, trộm vặt..., người dân biết, lẽ nào công an khu vực không biết? Từ cái nhỏ xử lý không kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến lộng hành. Dập tắt các hành vi manh động ngay từ đầu thì hậu quả không xảy ra" - bạn đọc Hung Anh khẳng định.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Văn Quỳnh cho rằng thói côn đồ lộng hành một phần do các quy định của pháp luật còn hạn chế. Ví dụ khi gây thương tích, nạn nhân giám định có tỉ lệ thương tật từ 10% trở lên thì đối tượng mới bị khởi tố hình sự.
"Theo tôi, bất cứ ai tham gia, cứ cầm hung khí gây nguy hiểm cho người khác là phạt tù thì mới ngăn ngừa tình trạng hễ mâu thuẫn là đánh, chém người" - bạn đọc Quỳnh đề xuất.