Lo sợ thói côn đồ lộng hành
Theo báo cáo nhanh từ Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, chỉ trong 6 ngày Tết (từ 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng), cả nước đã có hơn 2.800 ca cấp cứu do đánh nhau (chiếm 2% trong tổng số ca cấp cứu của các bệnh viện).
Liên tiếp những vụ hành hung, ẩu đả gây thương vong do xích mích, va chạm xảy ra từ những ngày đầu năm đến nay đang gióng lên hồi chuông báo động.
Cãi nhau là đâm, chém
Ngày 13-2, Cơ quan CSĐT Công an quận 10, TP HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can về tội "Gây rối trật tự công cộng". Trước đó, ngày 9-2, các đối tượng này đã dùng hung khí hỗn chiến trên đường Cao Thắng do mâu thuẫn trong lúc đi đường.
Rạng sáng 12-2, tại khu vực vỉa hè trước quán ăn đêm ở thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, do xảy ra mâu thuẫn, anh T.T.A đã bị Bùi Văn Linh (SN 1998) dùng vật nhọn đâm vào ngực dẫn tới tử vong.
Ngày 11-2, Công an huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang phối hợp với Công an huyện Quản Bạ điều tra vụ xô xát giữa nhóm "phượt thủ" khoảng 20 người với tài xế xe tải xảy ra trên địa bàn. Hình ảnh từ clip ghi lại cho thấy nhóm "phượt thủ" cầm mũ bảo hiểm lao lên ghế lái hành hung tài xế xe tải. Tài xế đã lùi xe, nhấn ga tông vào nhóm người này.
Ngày 6-2, Công an quận Bình Tân, TP HCM lấy lời khai của Nguyễn Thanh Huy (SN 1997, quê An Giang) để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Trước đó, tối 3-2, Huy điều khiển xe máy trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A và xảy ra va chạm với xe do anh N. điều khiển. Sau khi cự cãi, Huy đạp ngã xe anh N. Cả người và phương tiện va vào cột điện khiến anh N. và người đi cùng tử vong.
Ngày 10-1, một vụ hỗn chiến do mâu thuẫn từ việc kinh doanh ở vựa tôm trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM khiến 2 người thương vong. Cùng ngày, Công an quận 12, TP HCM đã tạm giữ 7 người để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích đối với ông N.V.H (50 tuổi, giám đốc một công ty, bị tổn thương vùng mắt 21%) hôm 3-1 do mâu thuẫn về chuyện tiền bạc.
Trước đó, ngày 7-1, xuất phát từ mâu thuẫn kéo dài, người của hai cửa hàng kế nhau cùng kinh doanh mặt hàng cồn y tế trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM đã lao vào đánh nhau, đập phá đồ đạc khiến 1 người bị thương nặng...
Ngăn chặn, răn đe, xử lý nghiêm ngay từ đầu
Những vụ việc trên cho thấy khi xảy ra va chạm, tranh chấp hoặc không thỏa mãn được nhu cầu, nhiều người không kiểm soát được mình, dùng hung khí để giải tỏa bức xúc, giận dữ, để lại nỗi đau thể xác, tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo báo cáo nhanh từ Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, chỉ trong 6 ngày Tết (từ 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng), cả nước đã có hơn 2.800 ca cấp cứu do đánh nhau (chiếm 2% trong tổng số ca cấp cứu của các bệnh viện). Trong đó, 1.245 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi và 195 trường hợp đã tử vong.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này có thể đến từ áp lực cuộc sống và cả việc lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy... khiến nhiều người trở nên mất kiểm soát trước những điều xảy đến từ những sinh hoạt thường nhật, các mối quan hệ cho đến công việc, môi trường kinh doanh, mua bán. Nhiều bạn trẻ vì hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân trước bạn bè đã gây thương tích cho người khác.
Đó còn là xu hướng của không ít người, do mong muốn giải quyết mọi việc một cách nhanh chóng nên thường tìm đến các băng nhóm xã hội thay vì liên hệ với các cơ quan thực thi pháp luật. Để rồi, hậu quả không chỉ xảy đến với người bị hại mà ngay bản thân, gia đình của chính họ cũng vướng vòng lao lý; đồng thời phải gánh chịu những khoảng thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần.
Thêm vào đó, mức chế tài xử phạt chưa đủ ngăn đe, đặc biệt là việc xác định thiệt hại của nạn nhân để yêu cầu bồi thường cũng như mức bồi thường tối đa về tổn thất tinh thần vẫn bị giới hạn không quá 50 lần lương cơ sở. Đa số trường hợp bồi thường tổn thất cho nạn nhân trong các vụ việc này vẫn bất cập.
Ngoài ra, mức độ hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh với tội phạm của một bộ phận người dân còn hạn chế. Thậm chí, nhiều người còn bỏ mặc, thờ ơ, không quan tâm. Đây là "mảnh đất" tốt để các đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động.
Như vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe với các hành vi côn đồ, băng nhóm xã hội…, các cơ quan thực thi pháp luật, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về pháp luật lẫn văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông cho người dân. Việc này nhằm hướng tới cuộc sống an toàn, xã hội văn minh bởi những công dân luôn sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Các hành vi côn đồ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, vì bất cứ lý do nào đi nữa thì cũng cần nghiêm khắc xử lý các đối tượng sai phạm để răn đe những kẻ khác. Nếu có tính chất côn đồ đã đủ căn cứ thì truy cứu trách nhiệm hình sự, không cần chờ kết quả giám định thương tích. Địa phương là nơi chịu trách nhiệm toàn diện về an ninh trật tự trên địa bàn nên phải nắm được tình hình địa bàn, các đối tượng trong khu vực để kịp thời đấu tranh ngăn chặn...
Mời tham gia diễn đàn
Trong bất kỳ quan hệ xã hội nào, văn hóa ứng xử cần phải phù hợp và tuân thủ quy định của pháp luật, từ đó giúp xã hội trật tự, ổn định. Những vụ ẩu đả gây thương tích, án mạng với tính chất côn đồ, hung hãn liên tiếp xảy ra thời gian gần đây đã đến lúc báo động. Làm thế nào để ngăn chặn thói côn đồ trong hành xử với những quan hệ xã hội là điều mà dư luận đang quan tâm.
Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề này và gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.