• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

In lại sách xưa đẹp mắt hơn

Nhiều bộ sách mang giá trị giáo dục, văn hóa, văn học xưa đã được in lại. Với hình thức hoài cổ nhưng được in ấn hiện đại, đơn vị mong muốn bộ sách có thể tiếp cận rộng rãi đến các thế hệ độc giả, nhất là giới trẻ.

In lại sách xưa đẹp mắt hơn

Bộ sách “Nếp cũ” của nhà văn Toan Ánh được NXB Trẻ tái bản. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp

Diện mạo mới

NXB Trẻ in lại bộ sách “Nếp cũ” của nhà văn Toan Ánh với diện mạo mới gồm các tựa: Con người Việt Nam; Tín ngưỡng Việt Nam; Làng xóm Việt Nam; Hội hè đình đám. Qua đó, độc giả biết thêm nhiều kiến thức về cội nguồn của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ nghĩa phong hóa xưa nay. Bìa sách vẫn giữ nét cổ kính nhưng khổ sách thiết kế gọn gàng, tiện lợi trong việc theo dõi và lưu giữ tác phẩm. 

Bộ sách “Giáo khoa thư” gồm các quyển: “Quốc Văn giáo khoa thư”, “Luân lý giáo khoa thư”, “Sơ học luân lý”, “Cách trí giáo khoa thư”, “Sử ký giáo khoa thư”... cũng được tái bản trở lại. Đây là bộ sách do các học giả, nhà văn, nhà giáo dục như: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận biên soạn và đem giảng dạy tại các trường tiểu học Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX.

Theo NXB Trẻ, bộ sách vẫn còn rất nhiều nội dung mang tính giáo dục cao nên các nguyên tác từ bản in sẽ được giữ nguyên như địa danh nhắc đến trong sách theo cách gọi cũ, hình thức cách viết theo kiểu cũ, dấu gạch nối giữa các từ ghép, phần minh họa khắc trên bản gỗ không thay đổi. Tuy nhiên, một số nội dung không phù hợp, lỗi in sai hay các chú thích thừa sẽ được sửa đổi hoặc lược bỏ.

Bộ sách của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần gồm 6 tác phẩm: Thuật tư tưởng, Tôi tự học, Óc sáng suốt, Thuật xử thế của người xưa, Cái dũng của thánh nhân, Một nghệ thuật sống, cũng được tái bản với hình thức đẹp mắt, tinh tế hơn.

Công ty Cổ phần Sách Tao Đàn cũng tái bản một số cuốn sách, nổi bật có “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” của Đào Trinh Nhất, “Hai chậu lan Tố Tâm”,  “Mộng kinh sư” của Phan Du… 

Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam in lại một số  tác phẩm như: “Việt sử yếu” của Hoàng Cao Khải, “Lịch triều tạp kỷ” của Lê Cao Lãng, “Đại Nam dật sự” của Nguyễn Văn Tố, “Quốc triều chánh biên toát yếu” của Quốc sử quán, “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802” của Tạ Chí Đại Trường…

Đổi mới để tìm kiếm độc giả trẻ

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Trẻ - cho biết: “Theo sự phát triển của xã hội, độc giả ngày càng quan tâm đến hình thức cũng như yếu tố tiện lợi của sản phẩm sách giấy. Vậy nên, khi phát hành những đầu sách mang giá trị văn hóa trường tồn, các ấn phẩm của NXB Trẻ đều có khổ sách phổ biến, dễ cầm đọc, được đầu tư mỹ thuật về phần bìa và dàn trang nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm bạn đọc trẻ tuổi, người đi làm”.

Với những cuốn sách hay, chất lượng, đã có vị trí trong lòng độc giả, một số đơn vị  còn in thêm bản đặc biệt dành cho những người có sở thích sưu tầm sách độc, lạ. Các bản sách này thường được thiết kế tỉ mỉ, sang trọng và được bày bán với số lượng giới hạn. Nhờ vậy, sách lại càng thêm gìn giữ, trân trọng và nâng tầm giá trị, đồng thời thúc đẩy mọi người đến với sách và thưởng thức sách.

Mặc khác, chuyển đổi số đang tạo nên sự cạnh tranh giữa sách truyền thống với các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Ông Nguyễn Thành Nam thừa nhận sự xuất hiện quá nhiều hình thức giải trí khiến sách ngày càng khó tiếp cận đến những độc giả tiềm năng. Tuy nhiên, công nghệ cũng tạo cơ hội cho các đơn vị xuất bản quảng bá và tiếp nhận ý kiến, mong muốn của độc giả.

Cũng nhờ công nghệ số, ngày càng nhiều hình thức đọc mới ra đời như: Sách nói, sách thực tế ảo, sách điện tử... giúp người đọc được tiếp cận dễ dàng hơn với kho tàng sách, đồng thời mang đến cơ hội giao lưu, chia sẻ với tác giả, dịch giả hay các nhóm chung sở thích. Những điều này đang góp phần không nhỏ trong việc “níu chân” độc giả trẻ ở lại với sách và văn hóa đọc.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng việc cải thiện hình thức bên ngoài hay thay đổi xu hướng đọc chỉ là giải pháp mang tính nhất thời. Muốn các tác phẩm xưa được lưu giữ, trở thành kho tàng tri thức vững bền theo thời gian thì xây dựng ý thức về văn hóa đọc. Theo ông Nguyễn Thành Nam, quá trình này cần sự vào cuộc góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị lẫn cá nhân.

“Về phía NXB, chúng tôi luôn cố gắng làm ra các sản phẩm tử tế, theo đúng tinh thần “nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức” như đã theo đuổi hơn 40 năm qua. Tôi cũng tin rằng xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, thì bạn đọc sẽ tự có những “bộ lọc” riêng của mình”, ông Nam khẳng định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết