• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dư vị đẹp của Ngày Thơ Việt Nam

Không khí thi ca nhộn nhịp trên cả nước trong dịp Tết Nguyên tiêu thật sự đã làm xao xuyến và để lại dư vị khó quên.

Ngày Thơ Việt Nam 2023 là Ngày Thơ lần thứ 21, tính từ thời khắc Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được gióng trống khai hội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đánh dấu Ngày Thơ Việt Nam, định vị một sự kiện văn hóa thường niên cấp quốc gia. Thế nhưng, Ngày Thơ Việt Nam 2023 là lần tổ chức thứ 18, vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Những điểm nhấn thú vị

Mùa xuân 2020, Ngày Thơ Việt Nam đã lên kế hoạch chi tiết với chủ đề "Đồng hành đất nước" thì virus corona xuất hiện. Để bảo đảm công tác phòng chống dịch, mọi hoạt động tụ tập đông người đều bị tạm hoãn và Ngày Thơ Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cứ tưởng tạm ngưng 1 năm, nào ngờ đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và căng thẳng, khiến Ngày Thơ Việt Nam phải gián đoạn 3 mùa xuân. Vì vậy, Ngày Thơ Việt Nam 2023 tái ngộ không chỉ đáp ứng sự chờ đợi của công chúng mà còn chứng minh người Việt Nam đã phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần sau những ngày mệt mỏi chống chọi với đại dịch toàn cầu.

Dư vị đẹp của Ngày Thơ Việt Nam - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP HCM tặng hoa chúc mừng Hội Nhà văn TP HCM tại Ngày Thơ Việt Nam. (Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp)

Ngày Thơ Việt Nam 2023, phần lớn các tỉnh, thành đều lấy chủ đề "Nhịp điệu mới" theo gợi ý của Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu như tại TP Hà Nội có đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng Ngày Thơ Việt Nam ở khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long với kinh phí 1 tỉ đồng thì TP HCM cũng có đạo diễn Nguyễn Thu Phương dàn dựng Ngày Thơ Việt Nam với chủ đề "Khát vọng phương Nam". Với sự quan tâm của lãnh đạo TP HCM và nỗ lực của Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM, Ngày Thơ Việt Nam 2023 đã có nhiều thay đổi đáng kể về hình thức lẫn nội dung.

"Khát vọng phương Nam" diễn ra 2 ngày 4 và 5-2 (14 và 15 tháng giêng) tại khuôn viên số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3 với nhiều điểm nhấn thú vị. Đầu tiên là tọa đàm "Dòng thơ giữa phố" vào sáng 4-2, quy tụ nhiều gương mặt nhà thơ tiêu biểu của TP HCM để cùng nhau trao đổi về sức sống thi ca đô thị. Những ý kiến đánh giá về thơ trẻ, thơ nữ, thơ thiếu nhi, thơ câu lạc bộ, thơ ứng dụng... đã gợi mở không ít suy tư cho tương lai thơ Việt và vị trí nhà thơ trong đời sống văn hóa.

Ngày hội của công chúng yêu thơ

Cần phải khẳng định Ngày Thơ Việt Nam là một ngày hội cho công chúng, chứ không phải ngày cho riêng những người làm thơ. Đọc thơ, ngâm thơ, vịnh thơ… chỉ nên là một phần quan trọng, chứ không thể là phần duy nhất trong Ngày Thơ Việt Nam.

Phải nhìn nhận Ngày Thơ Việt Nam như thế nào cho thuyết phục? Nếu ví von thơ là một chiến mã thì Ngày Thơ Việt Nam là dịp để người ta đi xem… con ngựa vằn. Không ai đến Ngày Thơ Việt Nam để đoán định về một con ngựa có khả năng tung vó vạn dặm thiên lý, mà người ta muốn thấy nét vằn của con ngựa. Cho nên, dáng ngựa và sức ngựa đều không quyến rũ bằng nét vằn. Muốn có lễ hội ngựa vằn thì phải lưu ý đến nhu cầu của đám đông, phải có tổng đạo diễn để chất lễ chan hòa chất hội. Triển lãm thơ, trưng bày thơ, sắp đặt thơ, video-art thơ… dễ tạo hưng phấn hơn cho những người đến với Ngày Thơ Việt Nam.

Chiều 4-2, hơn 20 câu lạc bộ thơ từ khắp các quận, huyện trên địa bàn TP HCM đã phô diễn vẻ đẹp xã hội hóa văn chương khi thiết kế và trưng bày những lều thơ rực rỡ và ấm áp. Đây là thành phần chủ lực làm nên giá trị của Ngày Thơ Việt Nam.

Chính tình yêu thi ca hồn nhiên và trong sáng từ các câu lạc bộ thơ đã chứng minh những mạch nguồn bất tận của thơ vẫn len lỏi vào mỗi gia đình, mỗi trường học và lặng lẽ đơm hoa kết trái. Thi ca không cần tán tụng, thi ca không cần hư danh đã nối kết những con người xa lạ và đánh thức những trái tim nhân hậu, để cuộc sống thường ngày thêm tin yêu, hy vọng.

Tạo ấn tượng mạnh mẽ ở Ngày Thơ Việt Nam 2023 tại TP HCM chính là Sân Thơ Trẻ. 19 poster khổ lớn với thông điệp "Góc nhỏ thành phố" đã giới thiệu chân dung và tiểu sử văn học của các cây bút trẻ gắn bó cùng TP HCM. Họ thể hiện tình cảm mến thương với mỗi góc phố của riêng mình, để sống và để viết cùng tuổi thanh xuân mơ mộng, khiến Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều khi tham quan phải thốt lên: "Một không gian thơ quá đẹp!".

Chương trình chính của "Khát vọng phương Nam" diễn ra sáng 5-2, với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo TP HCM và đông đảo người yêu thơ. Những tiết mục diễn ngâm của các tác giả được sân khấu hóa đem lại chiều sâu cảm xúc cho người thưởng thức.

Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Duy đã đọc bài thơ "Đánh thức tiềm lực" nổi tiếng suốt 4 thập niên qua của ông. Đây là bài thơ được nhà thơ Nguyễn Duy viết tặng ông Võ Văn Kiệt với đề từ "Tiễn anh Sáu Dân đi làm kinh tế".

Ngoài ra, lễ trao giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" cũng giúp công chúng thấu hiểu những giây phút gian nan và nhân ái của người dân TP HCM trong đại dịch COVID-19. 

Tìm thấy tri âm và tìm thấy chính mình

10-Một-tiết-mục-trình-diễn-thơ-tại-Ngày-thơ

Một tiết mục trình diễn thơ tại Ngày Thơ Việt Nam “Khát vọng phương Nam”

Với Ngày Thơ Việt Nam 2023 nhiều khởi sắc, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM - chia sẻ: "Ngày Thơ Việt Nam là một lễ hội thi ca, để những người làm thơ và những người yêu thơ được gặp gỡ, được kết nối với nhau trong không gian sáng tạo và không khí nghĩa tình. Từ lễ hội thi ca, những trái tim tha thiết yêu đời và yêu người được tìm thấy tri âm và tìm thấy chính mình. Từ lễ hội thi ca, những câu thơ rạo rực bay ra khỏi trang sách chật chội, để tâm tư của mỗi nhà thơ đến trực tiếp với công chúng rộng rãi, mở rộng hơn biên độ giàu có của ngôn ngữ Việt Nam và làm sâu sắc hơn thông điệp về sức sống cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Từ lễ hội thi ca, những câu thơ chân thành không chỉ thiết lập sự đồng cảm giữa những số phận riêng tư mà còn vun đắp ý thức đồng bào cùng chung nòi giống Tiên Rồng".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...