Di tích bị… sưng má
Sau khi di tích bị xâm phạm, cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, quy trách nhiệm, đề nghị mức xử lý… Nhưng, chờ được vạ thì má đã sưng, “người chịu thiệt” cuối cùng, không ai khác chính là di tích.
Sau hàng chục ngày cây đa gần nghi môn ngoại đình Chèm bị chặt hạ, mới đây UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc kiểm tra xử lý, khắc phục việc chặt hạ cây đa và thực hiện dự án tu sửa cấp thiết tại di tích này.
Theo đó, cây đa bị chặt hạ là giống đa đỏ (đa Ấn Độ). Năm 2021, Ban Khánh tiết đình Chèm cùng đại diện nhân dân đã họp và thống nhất chặt hạ cây đa để trả lại hiện trạng ban đầu với không gian kiến trúc cổ kính của ngôi đình. Tuy nhiên, Ban Khánh tiết đình Chèm đã chặt hạ cây đa khi chưa báo cáo và được cấp có thẩm quyền cho phép.
Song song với việc xin được bổ sung hồ sơ, UBND quận Bắc Từ Liêm yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận. Việc xử lý vi phạm trên tinh thần “sai đến đâu xử lý đến đó”.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân gồm: Tập thể Phòng Hạ tầng, cá nhân cán bộ phụ trách dự án tu sửa cấp thiết đình Chèm thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận.
Đối với việc chặt hạ cây đa, Thường trực Quận ủy Bắc Từ Liêm đã cho ý kiến chỉ đạo, giao UBND phường Thụy Phương kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc quản lý Nhà nước tại đình Chèm.
Việc xem xét và xử lý trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan trong việc di tích bị xâm hại là cần thiết. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, liệu khi xử lý xong có “cứu” được di tích không?
Có một điều chắc chắn, khó có thể trả lại hiện trạng ban đầu cho di tích. Sự tổn hại do hành vi cố ý phá hoại luôn khiến cho di tích trở nên méo mó, mất đi vẻ tự nhiên vốn có. Đồng thời, để lại di chứng dai dẳng khiến di tích càng nhanh xuống cấp hơn.
Bất chấp các quy định, quy trình, tình trạng tu bổ di tích theo cảm hứng đã và đang tàn phá nhiều di sản. Nhẹ thì lấp chỗ này, đào chỗ kia. Nặng thì phá hết, xây mới hoặc biến di tích thành công trình không ai nhận ra.
Và sau đó, khi dư luận lên tiếng thì cơ quan quản lý mới rục rịch vào cuộc. Hết kiểm tra, xem xét, quy trách nhiệm… rồi cuối cùng, “người chịu thiệt” không ai khác, lại chính là di tích.
“Chờ được vạ, má đã sưng”, chờ xử lý những người liên quan thì di tích cũng đã biến dạng. Các bài học nhãn tiền trong công tác bảo tồn nối nhau diễn ra không ngừng, “dây kinh nghiệm” rút mãi chưa hết. Chỉ có di tích là ngày một ọp ẹp, biến hình biến dạng đến thảm hại.
Đã đến lúc ngành văn hóa phải có những biện pháp kiên quyết trong giám sát, thanh tra, kiểm tra, siết chặt hoạt động tu bổ di tích, tránh tình trạng “tiền trảm hậu tấu”.
“Sai đến đâu xử lý đến đó” chỉ là một cách nói nhằm yên lòng dư luận, bộc lộ cách xử lý theo cảm tính. Phải làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý sai phạm theo quy định pháp luật, đó mới là hướng đi đúng để di tích trường tồn với thời gian.