• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần sớm "thay áo" Hồ Con Rùa

Chuyên gia, người dân mong muốn Hồ Con Rùa nhanh chóng được cải tạo để tăng không gian đi bộ, trở thành điểm đến thật sự hấp dẫn

Sau trận mưa đêm, sáng 24-3, khu vực Hồ Con Rùa nhiều vũng nước đọng, chị Yến - công nhân vệ sinh khu vực Hồ Con Rùa, phải dùng chổi quét để làm khô ráo, bởi nước không thể tự thoát.

Nhiều chỗ đã xuống cấp

"Vừa rồi, tôi phải tự mua ống về làm đường cho nước thoát" - vừa nói chị Yến vừa chỉ tôi đến lối thoát nước nhỏ chị tự chế để xử lý tình huống trước mắt. Do đó, khi hay tin thành phố sắp cải tạo khu vực này, chị Yến rất vui.

Nằm tại điểm giao của 3 tuyến đường đẹp Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và cũng là nơi tiếp nối giữa quận 1 với quận 3, Hồ Con Rùa từ lâu trở thành điểm ngắm cảnh lý tưởng giữa lòng TP HCM. Nơi đây thu hút đông đảo bạn trẻ, du khách nhất là vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, thực tế hạ tầng tại điểm thư giãn thơ mộng này chưa đáp ứng kỳ vọng.

Cần sớm thay áo Hồ Con Rùa - Ảnh 1.

Hồ Con Rùa thơ mộng đã trở thành điểm đến lý tưởng giữa lòng TP HCM sôi động của nhiều bạn trẻ, du khách, nhất là những ngày cuối tuần Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Qua ghi nhận của phóng viên, ngoài tình trạng nước đọng, nhiều hạng mục tại đây đã xuống cấp. Các lối đi bị bong tróc, lồi lõm, nền gạch bị vỡ. Một số nơi được lát gạch men đã trở nên mất mỹ quan với những vết vẽ, cào, xóa rất khó lau chùi. Nhiều mảng cỏ xung quanh hồ bị cháy sém do buổi chiều hàng rong tụ tập, buôn bán gây ra. Bên cạnh đó, hệ thống chiếu sáng thường xuyên gặp trục trặc, nhiều cụm đèn không hoạt động.

Hiện tại, bên cạnh nhiều hạng mục của Hồ Con Rùa bị xuống cấp thì có lẽ việc thiếu ánh sáng đã tạo điều kiện cho những người thiếu ý thức có cơ hội "bôi xấu" Hồ Con Rùa. Chị Yến kể nhiều người đã xả rác bừa bãi, ăn uống xong không dọn dẹp. "Những ngày trong tuần còn ít chứ đến cuối tuần là rác vứt đầy thảm cỏ, sáng đầu tuần phải dọn mấy giờ mới xong" - chị Yến than. Trong khi đó, một nam bảo vệ cho biết nhiều người còn trải bạt ngủ cả buổi, khi bảo vệ đến nhắc nhở mới rời đi.

Gấp rút lên kế hoạch cải tạo

Nhận thấy hiện trạng Hồ Con Rùa xuống cấp sau nhiều năm phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn của người dân, Sở Xây dựng TP HCM vừa trình UBND thành phố phương án chỉnh trang cảnh quan Công viên Hồ Con Rùa với tổng kinh phí khoảng 50 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Theo Sở Xây dựng thành phố, Công viên Hồ Con Rùa có diện tích hơn 3.843 m2 gồm hồ nước gần 2.300 m2 và đường dạo 937 m2, mảng xanh 617 m2. Về phương án cải tạo, đối với hồ nước được thi công chống thấm, bổ sung hệ thống phun nước trong hồ và theo lối đi tạo cảnh quan... Đường dạo thay thế bằng vật liệu đá tự nhiên. Hệ thống chiếu sáng được thay thế bằng các trụ đèn, bổ sung đèn trang trí nghệ thuật xung quanh công trình và cây xanh. Mảng xanh sẽ được bổ sung, thay thế hoa kiểng trang trí xung quanh vòng xoay, bố trí thêm bồn cây kết hợp ghế ngồi.

Cần sớm thay áo Hồ Con Rùa - Ảnh 2.

Sau mỗi trận mưa là khu vực Hồ Con Rùa xuất hiện hàng loạt vũng nước đọng Ảnh: PHAN ANH

Về phía quận 3, ông Phan Thế Huy, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận, cho hay UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho phép quận 3 cải tạo, nâng cấp vỉa hè khu vực Hồ Con Rùa bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức đầu tư dự kiến là 50 tỉ đồng, như đề xuất trước đó. Hiện nay, quận đang thực hiện các đầu việc để khởi công cải tạo, nâng cấp vỉa hè khu vực Hồ Con Rùa vào cuối tháng 4. Vỉa hè khu vực quanh Hồ Con Rùa sẽ được lát bằng đá hoa cương (granite). Trước mắt, quận sẽ cải tạo nâng cấp lề đường, chỉnh trang mảng xanh, hệ thống thoát nước... Diện tích vỉa hè cải tạo khoảng 3.500 m2, mảng xanh khoảng 2.900 m2.

Vỉa hè mới sẽ có hạng mục dẫn hướng cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng; có vạch cho người đi bộ sang đường và hình thành điểm dừng, đỗ xe buýt. Ngoài ra, đơn vị thi công sẽ nâng cao độ và thay khuôn các nắp hầm ga hiện hữu, bổ sung các hạ tầng kỹ thuật khác như tủ điện, tủ viễn thông, tủ chiếu sáng, tủ camera... Bồn cây hư hỏng cũng sẽ được sửa chữa lại, làm ghế cho người đi bộ nghỉ chân. Quận cũng vận động các nhà dân, công trình xung quanh cải tạo hàng rào. Bên cạnh đó, quận 3 cũng đã tính toán đến vấn đề kết nối giao thông, điểm giữ xe để tạo điều kiện cho người dân đến tham quan, vui chơi. Ngoài ra, quận cũng chấn chỉnh việc tụ tập bán hàng rong, không để việc buôn bán nhếch nhác khi đang lên kế hoạch thực hiện một tuyến phố ẩm thực. 

Mong chờ diện mạo mới

Nghe tin Hồ Con Rùa sắp được cải tạo, chị Vũ Thị Thủy (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết rất mong chờ về diện mạo mới của khu vực này. Chị Thủy kể đây là địa điểm mà chị và bạn bè thường hay đến vui chơi từ thời sinh viên, bởi với thời tiết nóng, nắng của TP HCM thì Hồ Con Rùa là nơi tuyệt vời với cây xanh mát rượi và hồ nước. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, chị Thủy đã ít lui tới vì khu vực này hiện khá lộn xộn.

"Hy vọng sau khi cải tạo, Hồ Con Rùa sẽ sạch sẽ hơn, thoáng mát hơn, đẹp hơn và trật tự hơn để người dân và du khách yên tâm mỗi khi lui tới thư giãn, vui chơi" - chị Thủy kỳ vọng.

KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM:

Tăng không gian đi bộ

Hồ Con Rùa là một loại hình nghệ thuật kiến trúc, nếu có chỉnh trang thì cũng phải giữ được kết cấu cũ. Khu vực Hồ Con Rùa nên được cải tạo đẹp, hấp dẫn hơn trong mắt người dân và du khách, đồng thời tăng thêm không gian đi bộ cho người dân. Các không gian kiến trúc xung quanh Hồ Con Rùa cũng cần sửa chữa, nâng cấp để phù hợp với không gian đi bộ. Tường rào các công trình xung quanh cũng cần sửa chữa khang trang và tổ chức lại cho đồng bộ với Hồ Con Rùa. Để Hồ Con Rùa thêm đẹp mắt cần chỉnh trang lại đài phun nước cho phù hợp hơn, tăng cường ánh sáng nghệ thuật với vòi nước phun cho sống động, lắp đèn nghệ thuật cho hồ, tháp và lối đi bộ xung quanh.

Còn về cải tạo vỉa hè, quận 3 cần quan tâm đến các lối đi cho người khuyết tật, đèn hiệu băng qua đường. Nếu có bố trí các dịch vụ thì cần bố trí thêm đèn chiếu sáng, đèn kiến trúc liên quan và đèn trang trí. Đồng thời, lưu ý đến việc tạo sự kết nối, đồng bộ với các công trình như Công viên Mê Linh, Bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực Bưu điện TP HCM - nhà thờ Đức Bà, đường Đồng Khởi để tạo khu vực đi bộ ở khu trung tâm thành phố, gia tăng giá trị của sinh hoạt cộng đồng.

Tiến sĩ VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó KTS trưởng TP HCM:

Bảo đảm sự thuận tiện của đô thị

Việc cải tạo Hồ Con Rùa là cần thiết và cần làm sớm. Tuy nhiên, khi cải tạo phải giữ được cái hồn của công trình kiến trúc này. Cái gì mà ngày xưa để lại, cái gì giữ được thì cố gắng giữ. Nếu đã làm nó thay đổi, mất đi thì không bao giờ có lại được, nhất là các công trình. Bởi nó là dấu tích lịch sử, rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn giá trị văn hóa bởi nếu chúng ta làm mất đi dấu tích của lịch sử thì lịch sử chỉ còn lại là văn bản. Nếu lịch sử chỉ còn bằng văn bản và lời nói thì nó mất giá trị chứng cứ.

Theo tôi, chỉ nên tu sửa Hồ Con Rùa chứ không nên cải tạo quá nhiều. Chỗ nào hư thì sửa lại, bản thân nó là công trình hoàn mỹ, nếu cải tạo quá sẽ gây ra sự chắp vá. Nên giữ lại kiến trúc phần lõi, khai thác dịch vụ vòng ngoài, xung quanh nó. Ngoài ra, cần lưu ý khu vực này là trục đường giao thông nên cải tạo cũng cần chú ý đến vấn đề này, làm sao để không gây ách tắc giao thông. Phải tính toán để bảo đảm sự đi lại của dân, sự thuận tiện mọi mặt của một đô thị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...