• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xe buýt vẫn còn gây chán ngán: Chuẩn mực văn hóa khi di chuyển bằng xe buýt

Ngành vận tải nói chung và các công ty vận tải hành khách công cộng nói riêng nên chú ý nhiều hơn đến văn hóa phục vụ của nhân viên để giữ uy tín thương hiệu và bộ mặt văn minh của đô thị.

Xe buýt là loại phương tiện giao thông công cộng đòi hỏi người tham gia phải có chuẩn mực văn hóa. Đó là những quy tắc ứng xử dành cho người làm dịch vụ vận chuyển hành khách và cả người sử dụng dịch vụ vận chuyển.

Chú ý văn hóa phục vụ của nhân viên

Hầu hết tài xế và phụ việc trên xe buýt đều biết và chấp nhận những quy định của ngành và công ty trước khi vào làm việc. Những quy định này thường được cụ thể hóa và niêm yết tại công sở, được nhắc nhở trong những lần sinh hoạt đơn vị. Thực hiện tốt những quy định đó là yêu cầu cần thiết để đạt được chuẩn mực văn hóa ứng xử của người làm dịch vụ vận tải hành khách. Tuy nhiên, do những lý do khác nhau mà nhân viên phục vụ đã không thực hiện đúng các chuẩn mực này. Vậy vấn đề ở chỗ nào?

Thứ nhất, về việc tuyển dụng, cần rà soát lại các tiêu chí, nhất là tiêu chí nhân văn trong khâu tuyển dụng nhân viên. Theo đó, các bước tuyển dụng cần thực hiện nghiêm ngặt. Trong quá trình tiếp nhận nhân viên, vừa coi trọng hồ sơ vừa coi trọng tiếp xúc trực tiếp. 

Truyền thống gia đình cũng có ảnh hưởng đến nghề nghiệp của cá nhân bởi những vấn đề thường gặp trong nghề nghiệp vận tải được đưa ra trao đổi trong gia đình sẽ trở thành bài học về chuyên môn, đạo đức cho các thế hệ sau. 

Vì vậy, tiếp nhận những cá nhân có truyền thống gia đình làm dịch vụ vận tải tốt là điều nên tính đến khi tuyển dụng nhân sự. Mặt khác, kinh nghiệm trực giác của người tuyển dụng nhân sự cũng giữ vai trò rất quan trọng khi tiếp xúc đối tượng xin việc.

Thứ hai, văn hóa đơn vị, văn hóa công ty cần đủ mạnh để "đẩy lùi" văn hóa cá nhân (chỉ một bộ phận nhỏ cá nhân). Dù luôn chú ý loại trừ thói quan liêu, cửa quyền, hách dịch, coi thường người dân... nhưng vẫn còn ở đâu đó dưới dạng tiềm ẩn nên khi có cơ hội thì những thói tật ấy sẽ trỗi dậy. 

Đây là lý do giải thích vì sao bên cạnh nhiều nhân viên phục vụ trên xe buýt rất lịch sự, cần mẫn lại còn có những người nạt nộ hành khách, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện dịch vụ vận chuyển hành khách.

Nếu có dịp tham gia giao thông tại một vài nước phát triển, chúng ta sẽ thấy văn hóa phục vụ của các công ty vận chuyển hành khách ở đó rất chuẩn mực. Quy tắc ứng xử của họ là: nhân viên trong ngành giao thông hoàn toàn chịu trách nhiệm với hành khách từ khi họ bước lên phương tiện cho đến khi ra khỏi cửa kiểm soát. 

Vì vậy, khi phương tiện chưa dừng hẳn, các nhân viên trong ca trực chuẩn bị sẵn tư thế, dụng cụ (bậc cầu thang di động, xe đẩy…) để hỗ trợ người già, người tàn tật, phụ nữ có thai hoặc có em bé đi cùng. Chỉ khi hành khách được giúp đỡ ra khỏi phạm vi kiểm soát, đạt độ an toàn tuyệt đối, họ mới hết trách nhiệm.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ ngành vận tải nói chung và các công ty vận tải hành khách nói riêng nên chú ý nhiều hơn về văn hóa phục vụ của nhân viên. Làm thế nào để mọi nhân viên nhận thức được rằng: thực hiện dịch vụ có văn hóa không chỉ là mục tiêu giữ uy tín thương hiệu mà còn giữ gìn bộ mặt văn minh của đô thị, giữ gìn giá trị của xã hội Việt Nam trong thời kỳ hội nhập thế giới.

Xe buýt vẫn còn gây chán ngán: Chuẩn mực văn hóa khi di chuyển bằng xe buýt - Ảnh 1.

Xe buýt là loại phương tiện giao thông công cộng đòi hỏi người tham gia phải có chuẩn mực văn hóa

(Ảnh: Hoàng Triều)

Thực hiện lối sống văn minh khi sử dụng xe buýt

Đối với hành khách, với tư cách là đối tượng thụ hưởng, ai cũng đều mong muốn sự an toàn và về đến đích sớm. Trong suốt hành trình, không ai muốn có những điều bất tiện xảy ra.

 

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng phương tiện công cộng, đôi khi sẽ gặp phải những vấn đề không lường trước được, như: xe có thể chết máy khi chưa về đến đích, hành trình phải tạm dừng do xe bị va chạm trên đường, lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến trong giờ cao điểm... 

Đó là những lý do khách quan, nếu hành khách than phiền, cau có, đổ nỗi tức giận vào tài xế thì thật không công bằng. Kiềm chế cảm xúc trong những trường hợp này cũng là một biểu hiện của văn hóa giao thông. Hành vi, thái độ ứng xử trong những tình huống không mong muốn như thế thể hiện văn hóa của mỗi người.

Nhân đây cũng xin trao đổi thêm về văn hóa hành khách. Hành khách và người phục vụ giao thông luôn có mối tương tác trong suốt hành trình. Vì vậy, không thể chỉ nói đến văn hóa người phục vụ mà bỏ qua văn hóa của hành khách.

Một hành khách có văn hóa luôn nhận thức rằng: lối sống văn minh là tôn trọng, nhường ghế cho phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật; không gây áp lực hoặc tạo căng thẳng cho người đang điều khiển phương tiện; không thực hiện những hành vi cá nhân gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh... Họ hiểu được rằng thực hiện lối sống văn minh khi sử dụng xe buýt cũng chính là tạo thuận lợi cho nhân viên phục vụ hành khách.

Lợi dụng phương tiện xe buýt để quấy rối phụ nữ là vi phạm chuẩn mực văn hóa, thể hiện cách hành xử kém văn minh. Giả vờ đi xe buýt để thực hiện hành vi trộm cắp, móc túi không còn ở phạm vi chuẩn mực văn hóa nữa, mà là tội phạm. 

Các đối tượng thuộc hai dạng này đều có thể phát hiện bằng các thiết bị công nghệ hiện đại và tiến hành xử lý theo luật hình sự. Vấn đề này thuộc lĩnh vực an ninh trật tự trên xe buýt và cần được đề cập, làm rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Nhân viên xe buýt cần trải qua giai đoạn thử việc. Suốt quá trình tuyển dụng, cần có biện pháp tốt nhất để giám sát hành vi, ứng xử của họ trong thời gian này. Nếu nhận thấy họ không phù hợp thì kiên quyết không sử dụng.

Tác giả: Trần Long (Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...