Cung đường di sản Quảng Nam: Khi thiên nhiên hòa quyện cùng văn hóa
Sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản, phát triển kinh tế và quy hoạch bền vững không chỉ tạo nên mô hình du lịch mẫu cho các vùng miền núi mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và địa phương…
Trải nghiệm du lịch tại Di sản Hội An
Tránh biến văn hóa thành hàng hóa thương mại đơn thuần
Tại Hội thảo Lữ hành quốc tế diễn ra cuối tuần qua, tỉnh Quảng Nam đã công bố hành lang phát triển du lịch mới mang tên “Cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cổng trời Đông Giang: Nơi thiên nhiên giao hòa cùng văn hóa”.
Nếu được triển khai hiệu quả, tuyến du lịch này không chỉ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa, tạo động lực bền vững cho du lịch miền núi.
Để phát triển du lịch dọc cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cổng trời Đông Giang, các chuyên gia và nhà quản lý nhấn mạnh sự kết hợp giữa bảo tồn di sản, phát triển kinh tế và quy hoạch bền vững.
Trong đó, việc đầu tư hạ tầng sinh thái, phát triển sản phẩm du lịch liên tuyến hấp dẫn, đẩy mạnh quảng bá và tăng cường hợp tác đa bên được xem là những giải pháp trọng tâm.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban sản phẩm Dịch vụ, Công ty Vietravel nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo tồn di sản trong phát triển du lịch: Hội An cần tiếp tục giữ gìn không gian kiến trúc, cảnh quan sông nước, kiểm soát hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng văn minh, tránh làm biến dạng các lễ hội truyền thống.
Mỹ Sơn có thể ứng dụng công nghệ vé điện tử, đặt giờ tham quan để phân luồng du khách, đồng thời duy trì công tác tu bổ đền tháp dưới sự tư vấn của chuyên gia quốc tế nhằm bảo vệ tối đa giá trị di sản.
Đông Giang cần quy hoạch rõ các tuyến tham quan thiên nhiên như lối đi bộ trong rừng, hang động, hướng dẫn du khách tuân thủ quy định để bảo vệ hệ sinh thái nhạy cảm...
Đặc biệt, để gìn giữ bản sắc văn hóa, các hoạt động văn hóa, lễ hội chỉ nên được tổ chức vào thời điểm và không gian phù hợp, có sự chủ động tham gia của cộng đồng, tránh biến văn hóa thành hàng hóa thương mại hóa đơn thuần.
Việc bảo tồn di sản không chỉ dừng lại ở du lịch mà cần được duy trì trong chính cộng đồng và giới thiệu đúng bản chất, ý nghĩa các phong tục đến du khách.
Cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cổng trời Đông Giang là minh chứng sinh động cho sự gắn kết giữa thiên nhiên và văn hóa bản địa trong phát triển du lịch.
Chính sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ và bề dày văn hóa đã tạo nên sức hút đặc biệt, đồng thời mở ra hướng đi bền vững cho ngành du lịch Quảng Nam.
Ông Nguyễn Anh Tấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FVG cho rằng, cung đường di sản không chỉ kết nối các điểm đến văn hóa, lịch sử mà còn khai thác tối đa tiềm năng du lịch, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đây là cầu nối quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, từ lễ hội, nghề thủ công đến ẩm thực địa phương, đồng thời là giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo tồn bản sắc dân tộc, tránh nguy cơ mai một trước làn sóng hiện đại hóa.
Khám phá văn hóa Cơ Tu tại miền núi Đông Giang
Định hướng phát triển bền vững
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ số trong quảng bá du lịch. Ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của thanh niên không chỉ là khách du lịch trải nghiệm, mà còn là lực lượng tiên phong trong bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa.
Ngày càng nhiều bạn trẻ sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương như homestay truyền thống, tour du lịch trải nghiệm văn hóa - ẩm thực, góp phần làm phong phú hệ sinh thái du lịch Việt Nam.
“Trong thời đại công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số là yếu tố then chốt để nâng tầm du lịch. Thanh niên với khả năng tiếp thu nhanh chính là lực lượng nòng cốt trong quá trình này. Quảng Nam cần phát triển các sản phẩm số hóa, giúp mỗi thanh niên trở thành một đại sứ du lịch trên nền tảng số, lan tỏa vẻ đẹp di sản rộng khắp”, theo ông Lâm.
Bên cạnh đó, ông Lý Xương Căn, Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, đề xuất các giải pháp thu hút khách du lịch xứ sở Kim chi, trong đó có việc ứng dụng công nghệ tài chính, như: Dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR quốc tế (NAPAS); Dịch vụ hoàn thuế cho khách du lịch nước ngoài (TAX RETURN), giúp tăng cường chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng du lịch.
“Sự kết hợp giữa hạ tầng kinh tế, công nghệ kỹ thuật và dịch vụ du lịch sẽ giúp nâng cao trải nghiệm du khách, đưa ngành du lịch Việt Nam tiệm cận với các nước phát triển”, ông Lý Xương Căn nhận định.
Việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút và giữ chân du khách lâu hơn tại Quảng Nam là một trong những đề xuất quan trọng được đưa ra tại Hội thảo.
Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo thêm việc làm, thúc đẩy các ngành liên quan như vận tải, thủ công mỹ nghệ, nông sản địa phương và dịch vụ giải trí.
Đặc biệt, phát triển du lịch bền vững ở khu vực miền núi sẽ giúp nâng cao đời sống người dân, bảo tồn văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế địa phương.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam: Cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cổng trời Đông Giang là tuyến du lịch nội tỉnh chính thức đầu tiên trong định hướng hành lang du lịch mới của tỉnh.
Tuyến này không chỉ kết nối Hội An - Mỹ Sơn với khu vực phía Tây và phía Nam Quảng Nam mà còn mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch trong nước và khu vực.
Dựa trên định hướng này, ngành du lịch địa phương sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, tạo ra những chương trình theo chủ đề phong phú; Kết nối các điểm đến, hình thành hành lang du lịch mới, giúp tối ưu hóa trải nghiệm cho du khách; Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời phát triển các sản phẩm đặc trưng dựa trên giá trị văn hóa truyền thống; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế…
Có thể nói, việc đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đặc thù, kết hợp với bảo tồn văn hóa và chuyển đổi số, sẽ là chìa khóa giúp Quảng Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, bền vững trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.