Bảo tồn để phát huy giá trị di sản chữ viết trên lá buông
Kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer là một loại hình tri thức dân gian, ẩn chứa kho tàng vô giá của tri thức nhân loại.
Hơn 1.000 năm trước, những pho kinh lá buông - di sản thành văn đầu tiên của Phật giáo Nam Tông theo dòng truyền lưu từ Ấn Độ, Sri Lanka đã làm nên cuộc thiên di lịch sử trên khắp miền Đông Nam Á.
“Giấy lá” của người Khmer
Dân tộc Khmer có tiếng nói và chữ viết từ lâu đời và dần được hoàn thiện. Sau khi Phật giáo Nam Tông du nhập vào đời sống văn hóa của dân tộc Khmer, cùng với hệ thống kinh sách theo ngữ hệ Pali. Từ đó, tiếng Pali được tiếp biến vào ngôn ngữ Khmer, làm cho ngôn ngữ Khmer càng trở nên phong phú.
Thông tin của Bảo tàng Lịch sử TPHCM cho thấy, từ khi có chữ viết, dân tộc Khmer đã dùng nhiều công cụ để lưu giữ lại như: Bia đá, lá buông (Satra), giấy... Trong đó, lá buông là loại hình đặc biệt hơn cả.
Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào tiết lộ chính xác thời điểm lá buông được sử dụng làm tài liệu viết chữ. Một số bằng chứng khảo cổ học lâu đời nhất về các bản thảo lá buông, cho thấy xuất hiện sớm nhất là từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên ở Ấn Độ. Tại Nam Bộ, sự xuất hiện của kinh lá buông được ghi nhận vào giữa thế kỷ 19 được sử dụng trong việc nghiên cứu, giảng kinh và học tập của các nhà tu.
Theo Bảo tàng Lịch sử TPHCM, các chuyên gia chia kinh lá buông làm 4 nhóm chính: Satra Rương (Satra truyện), Satra Lơ-beng (Satra giải trí), Satra Chơ-bắp (Satra luật giáo huấn) và Satra-Tes (Satra kinh, kệ). Trong đó thì Satra kinh kệ hiện vẫn còn bảo lưu trong nhiều ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ.
Lá buông là lá của loại cây giống như cây thốt nốt, có tên gọi là T-rang. Trước đây, loại cây này mọc bạt ngàn dọc khắp sông Tiền, sông Hậu, vùng đất Tri Tôn, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang - là nguồn lá dồi dào để làm giấy.
Lá buông có phẩm chất tốt, vạch nét chữ rõ ràng, lá dai bền nên dùng làm giấy ít bị rách nát hư mục. Tuy nhiên, cái khó là phải biết cách chế biến, xử lý lá buông đúng cách.
Theo kinh nghiệm của đồng bào Khmer An Giang, lấy đọt lá làm sách là một việc thiêng liêng. Người ta thắp nhang cầu khấn trời Phật rồi mới tiến hành cắt lá. Đầu tiên, họ chọn những đọt lá tốt, lấy dây quấn đọt cây hãm không cho lá mở. Đọt lá được quấn lại vẫn phát triển, bản lá dày thêm nhưng không bị xơ cứng.
Sau 8 - 12 tháng quấn đọt, lá mới được thu hoạch. Người thợ dùng miếng gỗ có kích thước khoảng 6cm x 60cm kẹp vào và cắt theo cỡ tấm ván. Sau khi phơi khô thì cắt thành hình chữ nhật, ép phẳng và sắp thành từng xấp là đã thành những tập “giấy lá”.
Kỳ công khắc chữ trên lá
Viết chữ lên lá buông là công việc kỳ công, nghệ nhân dùng một cây viết có ngòi bằng kim loại đầu nhọn gọi là đéc-cha chạm từ từ lên lá đã được phơi khô. Việc khắc chạm phải đều tay, nếu nhẹ quá thì nét chữ không rõ, mạnh quá thì làm cho lá bị thủng.
Bởi vậy, người khắc chữ phải thật khéo léo, phải biết rõ đường nét của chữ để không bị lệch ra ngoài đường viền.
Theo các vị sư, trước đây muốn khắc chạm được một bộ kinh lá thì nghệ nhân phải tìm một không gian yên tĩnh, có người canh gác. Họ tập trung cao độ cho đến khi hoàn thành mới thôi. Đa số các bộ kinh lá buông đều do các vị sư thực hiện, vì chỉ họ mới đạt trạng thái thiền định cao.
Viết xong người ta lấy bồ hóng trộn với dầu thoa lên chữ, chùi cho mặt lá sạch sẽ, để chữ nổi lên. Sau cùng là xỏ lỗ “đóng” các trang viết thành một tập sách có bìa gỗ, thế là có một Satra hoàn chỉnh.
Một số người kể rằng, để tăng cường độ bền, nhất là làm cho sách đẹp, người xưa lấy dung dịch nước bột vàng quét phủ lên gáy sách, bìa sách tựa sơn son thiếp vàng.
Mỗi bộ kinh có từ 4 - 10 cuốn (quyển), mỗi cuốn có 20 - 60 lá kinh, mỗi mặt lá có 5 dòng, với khoảng 150 chữ. Kinh lá buông chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer.
Có thể nói, kinh lá buông có giá trị và vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Khmer. Cũng là tài liệu lưu giữ nền văn học Phật giáo bao gồm: Tam tạng kinh điển, các bản chú giải, sớ giải của Phật giáo Nam truyền theo hệ thống ngôn ngữ Pali và chữ Khmer.
Kinh lá buông trước đây được dùng vào công tác giảng dạy tại các trường Phật học của Phật giáo Nam tông Khmer, các buổi thuyết pháp trong các đại lễ của Phật giáo.
Với sự phong phú về thể loại thể hiện, sự kỳ công trong chế tác và những giá trị văn hóa to lớn ấy nên “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer” tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 23/1/2017.
Năm 2021, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030”.
Đề án nhằm bảo vệ và lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc của di sản. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị.
Ở An Giang, kinh lá buông hiện còn lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với trên 100 bộ kinh Phật.
Tuy nhiên, nhiều năm qua kinh lá buông không còn được viết, bởi không còn nguồn lá buông. Đồng thời, do khâu bảo quản gặp khó khăn, không đảm bảo trước tác động khắc nghiệt của môi trường, nên kinh lá bị hư hỏng có nguy cơ bị mai một.