• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BẢO TỒN BIỆT THỰ CŨ: CHƯA ỔN! (*): Nhiều biệt thự cũ dần biến mất, vì sao?

Nhiều nguyên nhân khiến hàng trăm biệt thự trên địa bàn TP HCM "biến mất", trong đó có quá trình phân loại biệt thự kéo dài, khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, hoài nghi.

Trước thắc mắc và hoài nghi của dư luận, ông Trương Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), Chủ tịch Hội đồng Phân loại biệt thự - đã thông tin với Báo Người Lao Động về nguyên nhân thời gian phân loại biệt thự trên địa bàn thành phố kéo dài cũng như việc hàng trăm địa chỉ không còn là biệt thự.

Không thể làm nhanh

Theo ông Trương Trung Kiên, năm 2015, TP HCM đã có quyết định thành lập Hội đồng Phân loại biệt thự, đến năm 2018 mới ban hành tiêu chí đánh giá. Việc xây dựng tiêu chí rất quan trọng vì phải khách quan, khoa học chứ không thể tùy hứng, ngẫu nhiên nên cần thời gian, đòi hỏi sự góp ý của nhiều ngành, chuyên gia. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến quá trình phân loại biệt thự bị chậm. Công tác kiểm kê thực tế sau đó đôi lúc gặp vướng mắc như vắng chủ nhà, có biệt thự thay đổi nhiều, việc tiếp cận chỉ bằng phương pháp khảo sát trực tiếp, chụp ảnh... "Tới nay, công tác phân loại biệt thự cũ có đầy đủ hành lang pháp lý nhưng không thể vì thế mà làm nhanh. Quá trình khảo sát thực địa luôn thận trọng, bảo đảm tính khách quan, có sự phối hợp liên ngành và địa phương" - Chủ tịch Hội đồng Phân loại biệt thự TP HCM phân tích.

Ông Trương Trung Kiên cũng cho rằng việc chủ sở hữu không hợp tác để đưa biệt thự vào diện bảo tồn là có nhưng không phải phổ biến và không gây cản trở lớn đến công tác phân loại biệt thự. "Giai đoạn đầu cũng có tâm lý e ngại việc đưa vào diện bảo tồn nhưng sau đó nhiều người muốn nhanh chóng phân loại để biết nhà mình được giải quyết, xử lý như thế nào" - ông Kiên nói và cho hay tới nay số lượng khảo sát là khá lớn.

BẢO TỒN BIỆT THỰ CŨ: CHƯA ỔN! (*): Nhiều biệt thự cũ dần biến mất, vì sao? - Ảnh 1.

Biệt thự 11-13 Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TP HCM) được xếp vào diện bảo tồn nguyên trạng bên trong lẫn bên ngoài khiến chủ sở hữu bức xúc

Về thông tin trước đó Sở QH-KT tập hợp danh sách khoảng 1.550 biệt thự cũ (trong đó 1.227 địa chỉ ban đầu, 323 địa chỉ phát sinh mới) nhưng qua kiểm kê thì khoảng 560 địa chỉ không còn là biệt thự cũ, ông Trương Trung Kiên lý giải biệt thự trên địa bàn thành phố rất đa dạng. Trên giấy tờ thể hiện biệt thự thì các địa phương đều đưa vào danh sách kiểm tra, có trường hợp không biết xây dựng năm nào, sau đó kiểm kê, sàng lọc thì không thuộc đối tượng... nên con số thực chất không giống như ban đầu.

"Ngôi nhà cũ nhưng đôi khi là nhà liên kế mà tưởng là biệt thự hoặc trên giấy tờ thể hiện là biệt thự nhưng xây dựng sau năm 1975 nên không phải là đối tượng kiểm kê, phân loại. Danh sách sau kiểm kê, phân loại khác với số liệu đầu vào là bình thường" - ông Kiên phân tích. Lý do nữa, theo ông Kiên, quá trình sàng lọc cho thấy có những công trình trên bản đồ giải thửa (trước năm 1975, căn cứ để lấy thông tin đầu vào cho công tác lập danh sách) thể hiện là biệt thự nhưng kiểm tra thì không còn, đã xây nhà phố. "Trên bản đồ thể hiện là biệt thự nên đưa vào danh sách kiểm tra xem còn hay không vì không muốn bỏ sót, trong khi bản đồ 10 năm đã thay đổi, huống hồ đã 50 năm" - Chủ tịch Hội đồng Phân loại biệt thự TP HCM nói về chênh lệch số liệu đầu vào và đầu ra.

Lý giải thêm, Giám đốc Sở QH-KT TP HCM Nguyễn Thanh Nhã thừa nhận dù công tác bảo tồn biệt thự được thực hiện tương đối tốt nhưng khâu phối hợp chưa trôi chảy khiến hồ sơ qua Hội đồng Phân loại biệt thự bị chậm. Việc thiếu kinh phí hỗ trợ công việc, quá trình kiểm kê không vào được bên trong, chủ nhà không hợp tác, công trình bị che khuất tầm nhìn... cũng gây khó khăn đáng kể.

Chủ sở hữu: Mỗi người một ý

Trong khi đó, qua tìm hiểu, tùy hoàn cảnh, nhu cầu mà mỗi chủ sở hữu biệt thự cũ ở TP HCM có thái độ khác nhau về chính sách bảo tồn biệt thự cũ của thành phố.

Ông T.V.T, chủ sở hữu biệt thự nhóm 2 trên khu đất diện tích hàng trăm mét vuông ở đường Điện Biên Phủ (quận 3) xưa nay vẫn cho thuê làm văn phòng, thì đồng tình với chủ trương bảo tồn. Cũng trên đường Điện Biên Phủ, căn biệt thự nhóm 2 của ông N.V.H treo biển cho thuê và gia đình ông muốn duy trì hiện trạng công trình như hiện nay. "Dù nằm ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ nhưng tôi không có nhu cầu xây cao ốc hay bán công trình. Gia đình tôi hài lòng với hiện trạng của biệt thự và mong muốn bảo tồn nó" - ông H. cho biết.

 
BẢO TỒN BIỆT THỰ CŨ: CHƯA ỔN! (*): Nhiều biệt thự cũ dần biến mất, vì sao? - Ảnh 2.

Nhà 57A và 57B Tú Xương (quận 3, TP HCM) vốn là một biệt thự chia đôi nhưng chỉ có căn 57A được bảo tồn, do cải tạo không bài bản nên tạo thành một công trình thô kệch

Trái lại, ông L.V.H, chủ biệt thự xếp nhóm 1 trên đường Ngô Thời Nhiệm, khá gay gắt trước việc nhà ông trong diện bảo tồn nguyên trạng. Dẫn lại hàng loạt quy định về bảo tồn, ông L.V.H cho rằng người dân sẽ gặp vô vàn khó khăn khi muốn sửa chữa, xây dựng công trình mới, giá trị nhà đất cũng sẽ giảm dù nằm ở vị trí đắc địa. Ông cho rằng khi thành phố đưa nhà dân vào diện bảo tồn thì phải có mục đích rõ ràng và tính toán hỗ trợ như thế nào trong việc duy tu, sửa chữa, quan trọng nhất là kinh phí ở đâu. Ông đặt vấn đề hiện nay việc tôn tạo, sửa chữa để bảo tồn những ngôi chùa, đền cổ đã khó thì bảo tồn nhà dân đang ở có thực hiện được hay không? "Tôi mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ để bảo đảm lợi ích khác của người dân" - ông L.V.H nói.

Tương tự, bà H.T.N được thừa kế căn biệt thự nhóm 1 với khuôn viên khoảng 250 m2 trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3) nêu quan điểm không đồng ý đưa nhà đang ở vào diện bảo tồn. Lý do là người dân bị hạn chế nhiều quyền đối với tài sản của mình. "Nhà cửa hư hỏng muốn sửa chữa thì phải làm sao, liên hệ ở đâu, ai hỗ trợ, kinh phí như thế nào?" - bà N. nêu hàng loạt câu hỏi. Bà N. nói khi được xếp vào diện nhà cổ thì đồng nghĩa với việc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Giá trị đất đai, nhà cửa đi xuống, muốn xây cao tầng không được, sửa chữa phải hỏi, bán lại càng khó. "Đất ở vị trí đắc địa như quận 1, quận 3 rất giá trị mà giờ cái gì cũng bị hạn chế thì thua. Đáng lẽ nhà cổ thì giá trị kinh tế phải tăng mới đúng nhưng đây lại bị ép giá. Chúng tôi cần có chính sách tốt hơn đối với người sở hữu nhà cổ" - bà N. nói.

Không nên quá máy móc

Trước tiên, cần khẳng định những biệt thự cũ ở TP HCM là nơi lưu dấu nét kiến trúc đô thị của xã hội Việt Nam trong một giai đoạn nói chung, của giới được coi là thượng lưu thời ấy nói riêng.

Và giới thượng lưu, không phải ai cũng sở hữu vị trí đất, nguồn tài chính, nhu cầu ở và quan điểm thẩm mỹ giống nhau. Nên việc họ xây dựng những biệt thự cao cấp hay tầm trung, tinh tế hay thô kệch... cũng sẽ khác nhau. Nếu ôm đồm gom hết để bảo tồn, e rằng đô thị hôm nay sẽ có sự hòa trộn nham nhở. Một điều nữa, bất cứ công trình nào cũng đều có tuổi thọ. Các thông số kỹ thuật chỉ ra biệt thự này khác chỉ khai thác toàn bộ công năng trong khoảng thời gian nhất định. Việc khiên cưỡng giữ những công trình "vừa đụng vào đã bở" sẽ thiên về giữ theo ý chứ không mang tính thực tế.

TP HCM đã có bộ tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự cũ với chi tiết những đầu việc như khảo sát, kiểm tra, truy nguồn gốc, hướng dẫn lưu giữ... Điều này rất cần thiết, thể hiện sự tận tình, trách nhiệm của thành phố đối với ký ức về xây dựng của một giai đoạn. Tuy nhiên, bộ tiêu chí ấy dường như chỉ thiên về kỹ thuật mà chưa chú ý tới yếu tố dân sinh.

Theo quan sát, ngoại trừ những công trình cũ, cổ được cơ quan nhà nước sử dụng làm trụ sở thì nhiều biệt thự trước năm 1975 (điều kiện để được phân loại) trong dân không được chăm chút như thế. Chúng nhếch nhác, xuống cấp và quan trọng nữa là gây lãng phí rất lớn trong sử dụng tài nguyên đất, vị trí đất. Bởi chúng buộc phải "đứng yên, nguyên trạng" trước những biến động dữ dội về thị trường, các nỗ lực làm kinh tế.

Một khu đất rất giá trị giữa trung tâm nếu trên đó tồn tại biệt thự cần bảo tồn đồng nghĩa với việc chủ nhân rất khó xoay xở. Xây mới thì không được, sửa chữa phải xin phép, mở nhà hàng lại sợ thay đổi kết cấu mà cho doanh nghiệp thuê đồng nghĩa với loại bỏ nhiều doanh nghiệp trả giá cao bởi nhu cầu đặt máy móc, văn phòng, máy lạnh và di chuyển không khuyến khích doanh nghiệp chọn không gian làm việc thời... quạt máy.

Nên chăng, cơ quan chức năng cần điều chỉnh nội hàm về bảo tồn biệt thự cũ (không phải di tích); chọn tỉ mỉ rồi lọc kỹ càng vài công trình thật độc đáo, ý nghĩa để tập trung gìn giữ. Như vậy, những nơi được chọn lọc sẽ có sự đầu tư tương xứng để nâng thêm giá trị, mỹ quan đô thị, giảm bớt được một số khu pha trộn kiến trúc lộn xộn, đặc biệt là một nguồn lực lớn đất đai, ý tưởng kinh doanh được giải phóng.

Ngọc Kỳ

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-5

Kỳ tới: Cần hài hòa các mục tiêu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...