"Mai Vàng nhân ái" thăm đạo diễn Thanh Hạp
Sáng 25-5, chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm đạo diễn Thanh Hạp.
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng hỗ trợ đạo diễn Thanh Hạp.
Đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" (bìa trái) trao tiền hỗ trợ đạo diễn Thanh Hạp (Ảnh: HUẾ XUÂN)
Đạo diễn Thanh Hạp tên thật là Nguyễn Văn Hạp, sinh năm 1942 tại Cao Lãnh - Đồng Tháp. Ông tập kết ra Bắc tháng 12-1954, là người có công rất lớn trong việc xây dựng Nhà Truyền thống Cải lương Nam Bộ tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Là nghệ sĩ xuất thân từ Đoàn Cải lương Nam Bộ, ông từng giữ nhiều chức vụ quản lý trước khi về hưu.
Đạo diễn Thanh Hạp với ấn phẩm do ông thực hiện về tác giả Thanh Nha
Cả tuổi trẻ, đạo diễn Thanh Hạp cống hiến cho Đoàn Cải lương Nam Bộ tại miền Bắc, với phong trào "tiếng hát át tiếng bom". Ông là thành viên trụ cột của Đoàn Cải lương Nam Bộ - chiếc nôi nghệ thuật được hợp thành từ nguồn diễn viên của các đoàn văn công và kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ: Đoàn Văn công liên khu miền Đông, Đoàn Văn công Ngũ Yến, Đoàn "Mạ xanh lúa vàng" Mỹ Tho, Đoàn Cửu Long Giang miền Tây Nam Bộ.
Đạo diễn Thanh Hạp (bìa phải) gửi tặng đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" ấn phẩm sách viết về tác giả Thanh Nha
Đạo diễn Thanh Hạp vừa thực hiện cuốn sách về tác giả Thanh Nha - một nghệ sĩ, chiến sĩ cách mạng có nhiều sáng tác cổ vũ tinh thần đấu tranh chống quân xâm lược.
Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn đau đáu việc thực hiện bộ phim phóng sự về "Ký ức Đoàn Cải lương Nam Bộ". Đây là dự án mà đạo diễn Phan Quốc Kiệt - Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang - rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện để đạo diễn Thanh Hạp thực hiện.
Đạo diễn Thanh Hạp (bìa phải) trao tặng Nhà hát Trần Hữu Trang bức ảnh quý - Bác Hồ gặp gỡ văn nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam Bộ
Trong sự nghiệp nghệ thuật, đạo diễn Thanh Hạp từng tham gia các vở: "Người con gái Đất Đỏ", "Dệt gấm", "Ánh lửa"… Ông đã dàn dựng nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật cải lương có các bài ca sáng tác mới từ âm hưởng nhạc tài tử, cải lương... Với sự liên tục sáng tạo từ hình thức dàn dựng đến diễn xuất, ông đã góp công rất lớn thực hiện di nguyện của hai người thầy là NSND Tám Danh, NSND Ba Du; góp phần tạo dựng thương hiệu Đoàn Cải lương Nam Bộ.
Đón nhận món quà hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", đạo diễn Thanh Hạp bày tỏ: "Tôi rất xúc động trước sự quan tâm của chương trình dành cho một đạo diễn đã nghỉ hưu. Niềm động viên này rất lớn đối với tôi, để tôi tiếp tục sát cánh cùng những dự án của Nhà hát Trần Hữu Trang và Hội Sân khấu TP HCM, góp phần tạo thêm những giá trị tinh thần mới, mang dấu ấn nghệ thuật cho sân khấu cải lương".