• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất hiện điểm sáng từ dòng vốn ngoại

Giao dịch khối ngoại đang gây chú ý với thị trường khi mua ròng trở lại 3 phiên liên tiếp trong bối cảnh VN-Index nối dài chuỗi tăng điểm. Cùng với đó là những thông tin tích cực cho thấy, đà mua ròng của khối này dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Khối ngoại đang gây chú ý khi mua ròng trở lại 3 phiên liên tiếp trong bối cảnh VN-Index nối dài chuỗi tăng điểm.

Khối ngoại đang gây chú ý khi mua ròng trở lại 3 phiên liên tiếp trong bối cảnh VN-Index nối dài chuỗi tăng điểm.

Phiên 9/3, giao dịch khối ngoại vẫn là điểm sáng khi mua ròng với tổng giá trị gần 183 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, trong phiên VN-Index tăng điểm.

Dấu hiệu mua ròng trở lại

Trước đó, từ phiên 7/3, khối ngoại đã bắt đầu “quay xe” mua ròng trở lại sau 14 phiên bán ròng trong khi VN-Index hồi phục, với tổng giá trị gần 206 tỷ đồng trên TTCK Việt. Riêng trên HoSE, khối này đã mua ròng với giá trị xấp xỉ 159 tỷ đồng.

Tiếp nối sang phiên 8/3, cũng cùng chiều đà tăng của VN-Index, nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng khi mua ròng hơn 258 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HoSE, khối này mua ròng với giá trị hơn 241 tỷ đồng.

Nhìn lại tháng 2 vừa qua, VN-Index đã giảm gần 8% và chỉ còn tăng 1,7% so với đầu năm do chịu tác động mạnh hơn từ rủi ro thanh khoản đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước. Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE giảm 5% so với tháng trước đó, còn hơn 10 nghìn tỷ đồng/phiên.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền từ khối ngoại cũng thu hẹp quy mô ở chiều mua và đẩy mạnh bán ra, qua đó khối này bán ròng 640 tỷ đồng. Đây cũng là tháng đánh dấu việc khối này bán ròng đầu tiên kể từ tháng 11/2022.

Không chỉ vậy, dòng tiền ETF cũng đảo chiều vào cuối tháng 2, sau 3 tháng bùng nổ kể từ tháng 10/2022. Tổng dòng vốn ETF vào Việt Nam trong tháng 2 chỉ đạt 500 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 4 tháng trước đó.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, thời gian qua, lượng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài có đến 70% đến từ các quỹ ETF. Ngay từ tháng 4/2022, khi VN-Index sụt giảm nhóm này đã giải ngân và đỉnh điểm đạt kỷ lục vào tháng 11 đến tháng 12. Bởi vậy, dư địa để giải ngân không còn nhiều dẫn đến tình trạng mua ròng nhỏ giọt hoặc đảo chiều bán. Các ETF mới dư địa phát hành thêm cũng không còn nữa nên họ giảm mua.

Hơn nữa, hầu hết các ETF thường tracking theo chỉ số, khi thị trường tăng lên thì nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào, liên tiếp mua ròng. Tuy nhiên, trong tháng 2 vừa qua, VN-Index gặp áp lực điều chỉnh giảm, khiến nhà đầu tư nâng cao phòng thủ khi giảm mua và quay ra bán.

Thêm nhiều tín hiệu khả quan mới

Dù vậy, chuyên gia đến từ Yuanta vẫn cho rằng, khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng trong quý III/2023 hoặc sớm hơn.

Tương tự, ông Trần Phong, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập, nhận định, đà mua ròng có thể chững lại trong nửa cuối tháng 2 và cả tháng 3, nhưng không làm thay đổi xu thế mua ròng tính theo bình diện cả năm 2023.

Thực tế, mặc dù ghi nhận thua lỗ "đậm" nhất trong các tháng 2 kể từ khi đầu tư tại Việt Nam, đồng thời chấm dứt chuỗi 3 tháng liên tiếp hiệu suất đạt mức dương, Lumen Vietnam Fund vẫn lạc quan tin rằng nhịp điều chỉnh là cơ hội để "gom hàng". Bởi đến nửa cuối năm 2023, lãi suất được kỳ vọng sẽ được điều hành hợp lý, hoạt động kinh doanh bắt đầu khởi sắc, giúp lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 10-15% so với cùng kỳ năm trước, và thị trường TPDN ổn định hơn sẽ tạo cơ sở tốt cho một chu kỳ đi lên mới của TTCK.

Trước đó, một quỹ ngoại nổi tiếng là Pyn Elite Fund cũng công bố báo cáo hoạt động tháng 2/2023 với hiệu suất đầu tư âm 11,17%, sau khi đạt được mức hiệu suất đầu tư hơn 10% trong tháng 1/2023. Dù vậy, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund, Petri Deryng vẫn kỳ vọng một số yếu tố sẽ thúc đẩy TTCK khởi sắc hơn trong năm 2023.

Hiện tại, TTCK đang dần xuất hiện một số yếu tố hỗ trợ đến từ động thái của Chính phủ ngay từ những ngày đầu tháng 3. Trong đó, việc ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ được cho là yếu tố giúp ổn định tâm lý và thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường, bao gồm cả dòng vốn ngoại.

Một thông tin tích cực liên quan đến dòng vốn ETF là việc quỹ Van Eck Market Vector Vietnam Local Index ETF sẽ cơ cấu lại tỷ trọng danh mục sang 100% cổ phiếu Việt Nam, tương đương dòng vốn tăng 68 triệu USD.

Bên cạnh đó, Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan cũng vừa chấp thuận việc tăng hạn mức đầu tư cho quỹ Fubon ETF Việt Nam – một trong quỹ ETF có NAV lớn nhất thị trường, ước tính dòng vốn tối đa vào ròng khoảng 4.500 tỷ đồng.

Đánh giá về dòng vốn mới từ các quỹ ETF ngoại, ông Phan Như Bách, chuyên viên phân tích cấp cao Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào TTCK khoảng 6.100 tỷ đồng trong vài tuần tới. Nguyên nhân chính được chỉ ra gồm kỳ vọng từ tăng vốn của Fubon ETF và sự thay đổi tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam của V.N.M ETF.

Dựa trên thực tế các đợt tăng vốn trước, ông Bách dự báo, dòng vốn này có thể chảy vào TTCK Việt Nam trong tháng 3 này. “Tổng cộng, chúng tôi ước tính dòng tiền khoảng 6.100 tỷ đồng sẽ chảy vào TTCK Việt Nam trong vài tuần tới và có thể chấm dứt hoạt động bán ròng của khối ngoại”, chuyên gia từ VNDirect cho biết.

Ngoài ra, thông tin mới đây cho thấy, TTCK Việt Nam sắp có thêm một ETF mô phỏng theo rổ chỉ số hút khối ngoại bậc nhất thị trường. Theo đó, sự xuất hiện của ETF MAFM VNDIAMOND được kỳ vọng sẽ mang đến thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư, đồng thời sẽ tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường chứng chỉ quỹ ETF. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp làn sóng ETF trở nên bùng nổ hơn trong thời gian tới.

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...