• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xăng dầu: Đưa chính sách về sát thị trường

Nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ bất cập, cũng là nguyên nhân gây thiếu hụt mặt hàng này thời gian qua. Để có thị trường xăng dầu lành mạnh, việc sửa đổi quy định pháp lý nhất thiết phải bám sát thực tiễn.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Rút ngắn chu kỳ điều hành giá

Việc này được Bộ Công Thương triển khai ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1-11-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 11-2022.

Bộ Công Thương cũng cho biết vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng cần được rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang Quốc hội ngày 15-11, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhìn nhận về chu kỳ điều hành 10 ngày như hiện hành là điểm bất cập lớn, khiến giá xăng dầu trong nước không theo sát diễn biến giá thị trường thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, nên rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành còn 5 ngày.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết việc rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành là vấn đề đã được bàn rất nhiều, ngay thời điểm xin ý kiến hoàn thiện Nghị định 95. Sau khi Nghị định 95 "chốt" rút ngắn kỳ điều hành còn 10 ngày, sau những bất cập trên thị trường vừa qua, đã có các ý kiến đề xuất rút ngắn còn 7 ngày, 5 ngày, thậm chí là điều hành giá theo ngày. Ông Long cho rằng phương án điều hành theo ngày thì khó khả thi.

Nâng trách nhiệm doanh nghiệp

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty Xăng dầu Chiến Thắng, tiếp tục nêu bất cập về mức chiết khấu cho doanh nghiệp (DN) bán lẻ hiện nay. Khi thị trường ổn định, mức chiết khấu được duy trì nhưng khi có bất ổn, các DN bán lẻ phải chịu mức chiết khấu thấp, thậm chí 0 đồng/lít, phải bù lỗ. Đại diện DN kiến nghị sửa đổi các nghị định lần này cần có quy định cụ thể về mức chiết khấu cho DN bán lẻ - đối tượng ở cuối chuỗi cung ứng xăng dầu nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Cần có quy định cụ thể mức chiết khấu để nâng trách nhiệm của các DN trong hệ thống.

ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết trong quá trình tiến hành các hoạt động giám sát, nhiều DN bán lẻ phản ánh bất cập về mức chiết khấu, khiến họ càng bán càng lỗ. Để khắc phục bất cập này, trong quá trình rà soát, sửa đổi các nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu, cần nghiên cứu đưa ra mức chiết khấu phù hợp, bảo đảm để DN kinh doanh, duy trì hoạt động, tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung như đã xảy ra thời gian qua.

Vấn đề về chiết khấu, Bộ Tài chính cho biết hiện nay nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống.

Ở góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng nhà nước không nên can thiệp vào mức chiết khấu, mà đây là quan hệ dân sự giữa DN và DN. Trong quá trình vận hành kinh doanh, đôi bên thấy hợp lý thì cùng thỏa thuận về mức chiết khấu. Trong bối cảnh thị trường khó khăn thì phải cùng chia sẻ trong toàn hệ thống phân phối xăng dầu. Mọi ý kiến đưa ra đều phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để "tuổi thọ" của chính sách khi ban hành được ổn định.

Xăng dầu: Đưa chính sách về sát thị trường - Ảnh 1.

Một cây xăng ở Hà Nội đóng cửa do hết xăng

Bớt tầng nấc để giảm chi phí

Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải xem xét lại hệ thống phân phối với nhiều tầng nấc như hiện nay. "Nhiều tầng nấc thì sẽ tăng chi phí, buộc phải cộng vào giá bán lẻ. Cần sắp xếp lại hệ thống, không cần quá nhiều thương nhân phân phối, mà từ DN đầu mối đến các đại lý, đến cửa hàng bán lẻ thì sẽ giảm được tầng nấc" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu.

Đây cũng là nội dung Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng kết, đánh giá để có sửa đổi phù hợp. Hiện trên cả nước có 332 DN phân phối xăng dầu. ĐB Trần Hoàng Ngân ủng hộ việc giảm tầng nấc nhưng vẫn phải bảo đảm cung ứng xăng dầu với địa bàn rộng trên cả nước. Theo ông Ngân, việc giảm tầng nấc sẽ giúp cắt giảm chi phí, có thể tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn thời gian qua khi nhiều ý kiến đề xuất chuyển về Bộ Công Thương. Ngay cả Bộ Tài chính - cơ quan đang tham gia vào công tác quản lý giá đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết sẽ kiến nghị sửa đổi các quy định để chuyển đầu mối quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương.

Về việc đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết đây là vấn đề đã được nhắc đến nhiều năm nay. Mà việc này cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần bảo đảm về chất lượng, kiểm soát về giá bán. Tuy nhiên, khi cho phép nhập hàng từ nhiều nguồn, đại lý sẽ đa dạng được nguồn hàng, tăng tính cạnh tranh, trong đó có cả mức chiết khấu. 

Xem xét lại hàng loạt vấn đề

Theo ông Trịnh Quang Khanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc quản lý xăng dầu cần phải giải quyết nhiều nội dung: Chu kỳ điều hành giá xăng dầu, trước đây 15 ngày, nay còn 10 ngày và sắp tới sẽ như thế nào, có thời điểm cần linh hoạt rút ngắn cho đỡ bị lỗ hay không; về mức chiết khấu, quản lý nhà nước có phải can thiệp vào hay không hay để DN đầu mối thông qua hợp đồng kinh doanh. Nếu cho phép đại lý được lấy nhiều nguồn hàng thì việc kiểm soát chất lượng ra sao, nguy cơ về hàng trôi nổi, chưa kể chống thất thu ngân sách cũng phải tính. Rà soát lại quy định, mở ra nhiều thành phần kinh tế tham gia để người tiêu dùng có quyền lựa chọn tốt hơn cũng phải tính đến.

Cần thay đổi công thức tính

Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM) cho biết hiệu ứng thiếu hụt xăng dầu tại TP HCM hiện tại là hệ quả của việc làm chính sách thiếu đồng bộ giữa hiệu quả quản lý nhà nước và thực tiễn thị trường. Cụ thể, Nghị định 95 có quy định: Giá xăng dầu thế giới do liên bộ Tài chính - Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa 2 kỳ công bố giá cơ sở căn cứ theo giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế.

Cách tính này được cho là bất hợp lý là vì có nội dung thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng. Điểm nghẽn này sẽ được giải quyết nếu liên bộ Tài chính - Công Thương thay đổi công thức tính giá xăng dầu. Vì, nếu DN có lãi thì không bao giờ đứt nguồn cung, DN sẽ tranh thủ nhập hàng về một cách dồi dào để gia tăng lợi nhuận. Cần phải triệt để loại bỏ quan điểm đè giá để tạo ra bình ổn giá, bởi vì quan điểm đó dẫn đến không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến DN bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra.

N.Hải


Tác giả: Bài và ảnh: MINH CHIẾN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...