• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp, thương mại

Với nền tảng vĩ mô ổn định cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7/2023 đã có những tín hiệu tích cực.

Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7/2023 đã có những tín hiệu tích cực. Ảnh: internet

Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7/2023 đã có những tín hiệu tích cực. Ảnh: internet

Tín hiệu tích cực trong tháng 7

Theo Bộ Công Thương, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7/2023 (so với mức 46,2 điểm của tháng 6; 45,3 của tháng 5 và 46,7 điểm của tháng 4), cho thấy những tín hiệu tích cực khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm chậm hơn. Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 khởi sắc hơn, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,2%; khai thác quặng kim loại và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,4%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 6,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,2%; sản xuất trang phục giảm 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng giảm 4,3%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như: Đường kính tăng 32,3%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,9%; xăng dầu tăng 13,2%; ti vi tăng 11,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,9%; thuốc lá điếu tăng 8,6%; sơn hóa học và sữa tươi cùng tăng 6%. Ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 19,6%; điện thoại di động giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 16,7%; xe máy và xi măng cùng giảm 5,8%; quần áo mặc thường giảm 5,7%; phân u rê giảm 4,4%.

Về xuất nhập khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 đã có những tín hiệu tích cực khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước.

Vẫn đối mặt với nhiều thách thức

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tháng 7/2023, tuy nhiên, tính chung 7 tháng, sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn có sự suy giảm do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu. 7 tháng năm 2023, IIP toàn Ngành ước giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1%; ngành khai khoáng giảm 1,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1%.

Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu trong 7 tháng qua chủ yếu do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.

Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Bên cạnh đó, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 7 tháng năm 2023, trong đó giá nhiều mặt hàng nông sản như nhân điều, chè, hạt tiêu, cao su… đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, giá xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh ở mức hai con số như: dầu thô giảm 25,2%; xăng dầu các loại giảm 16,9%; Phân bón các loại giảm 36,2%; Chất dẻo nguyên liệu giảm 25,2%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 23%; Sắt thép các loại giảm 24,8%...

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Cùng với đó là các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu như: Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc; tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết