• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Tăng cường giải pháp điều hành dự toán ngân sách địa phương

Với những giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, công tác quản lý tài chính - ngân sách ở chặng cuối năm 2022 của Thái Bình đã và đang đạt được kết quả tích cực. Toàn tỉnh phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà cho những chặng đường tiếp theo.

Nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022 được triển khai trong bối cảnh kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và đẩy giá xăng dầu, lương thực và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chia sẻ, đoàn kết, thống nhất của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, việc triển khai các giải pháp chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân đã bước đầu phát huy tác dụng; nền kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo thu NSNN, cơ quan thuế, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2022; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN. Quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, cơ quan thuế đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN ngay từ đầu năm, nhất là đối với các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; quyết liệt xử lý thu nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng. Bên cạnh đó, tập trung triển khai cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, đồng bộ trên các mặt thể chế, thủ tục, tổ chức bộ máy và hiện đại hóa; triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, điện tử hóa các khâu quản lý thu thuế trên phạm vi toàn tỉnh.

Do thực hiện quyết liệt các giải pháp về thu ngân sách nên tổng thu NSNN 10 tháng thực hiện 22.276,4 tỷ đồng, đạt 123,8% dự toán, bằng 137% so với cùng kỳ năm 2021; phấn đấu quyết liệt những tháng cuối năm, đánh giá cả năm thu NSNN ước thực hiện 27.902,8 tỷ đồng, đạt 155% dự toán, bằng 126,7% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Tổng thu ngân sách địa ph­­ương (NSĐP): 10 tháng thực hiện 18.024 tỷ đồng, đạt 118,6% dự toán, bằng 135,3% so với cùng kỳ năm 2021; ước cả năm thực hiện 23.077,5 tỷ đồng, đạt 151,9% dự toán, bằng 126,6% so với cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 10 tháng thực hiện 8.973,2 tỷ đồng, đạt 106,1% dự toán, bằng 115,7% so với cùng kỳ năm 2021; ước cả năm thực hiện 12.468,6 tỷ đồng, đạt 147,5% dự toán, chiếm tỷ trọng 54% tổng thu NSĐP. Cụ thể: Thu nội địa được hưởng (loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, ghi thu ghi chi, đền bù GPMB, thu bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước): 10 tháng thực hiện 4.377,2 tỷ đồng, đạt 98,4% dự toán. Ước cả năm thực hiện 5.392,9 tỷ đồng, đạt 121,2% dự toán. Trong đó: Ngân sách cấp tỉnh: 10 tháng thực hiện 2.716 tỷ đồng, đạt 93,7% dự toán; ước cả năm thực hiện 3.450,7 tỷ đồng, đạt 119,1% dự toán; Ngân sách cấp huyện, cấp xã: 10 tháng thực hiện 1.661,1 tỷ đồng, đạt 107% dự toán; ước cả năm thực hiện 1.942,1 tỷ đồng, đạt 125,2% dự toán.

Thu tiền sử dụng đất 10 tháng thực hiện 2.970,6 tỷ đồng, đạt 109,1% dự toán; thị trường bất động sản duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so với dự toán. Tuy nhiên, thu tiền sử dụng đất có xu hướng giảm trong các tháng gần đây do hoạt động đấu giá đất ở các địa phương có dấu hiệu chững lại. Ước cả năm thực hiện 5.028 tỷ đồng, tăng 84,6% với số tăng thu 2.305 tỷ đồng so dự toán (trong đó: ngân sách cấp tỉnh dự kiến tăng 99,4 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện dự kiến tăng 1.350,4 tỷ đồng, ngân sách cấp xã dự kiến tăng 855,1 tỷ đồng so với dự toán). Thu chuyển nguồn năm trước sang năm sau: ước cả năm thực hiện 3.471,3 tỷ đồng; trong đó: ngân sách cấp tỉnh: 2.255,1 tỷ đồng. Thu thuế xuất, nhập khẩu: 10 tháng thực hiện 2.809 tỷ đồng, đạt 175,6% dự toán. Ước cả năm thực hiện 3.000 tỷ đồng, đạt 187,5% dự toán, bằng 158,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương: 10 tháng thực hiện 6.745,6 tỷ đồng, đạt 84,9% dự toán. Ước cả năm thực hiện 8.650,2 tỷ đồng, bằng 108,9% dự toán (trong đó: bổ sung có mục tiêu ngoài dự toán là 408,9 tỷ đồng).

UBND tỉnh đã điều hành tài chính - ngân sách linh hoạt theo dự toán được giao và khả năng thu ngân sách, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chống lãng phí, đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ chi theo dự toán, các chế độ, chính sách mới và xử lý kịp thời những nhiệm vụ đột xuất phát sinh theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, đồng thời địa phương phải tập trung nguồn lực để phòng chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đáp ứng kịp thời kinh phí phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phư¬ơng. Các sở, ngành và địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai các giải pháp đã đề ra. Do nhiệm vụ thu NSNN vượt dự toán, nên các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tổng chi cân đối NSĐP (bao gồm cả bội thu) 10 tháng thực hiện 12.020,4 tỷ đồng, đạt 79% dự toán, bằng 115% so với cùng kỳ năm 2021; Ước cả năm (bao gồm dự toán giao đầu năm và các nhiệm vụ chi bổ sung trong năm) thực hiện 23.077,5 tỷ đồng, đạt 152% dự toán. Cụ thể, chi đầu tư phát triển: 10 tháng thực hiện 5.650,6 tỷ đồng, đạt 92% dự toán, bằng 130% so với cùng kỳ năm 2021. Ước cả năm thực hiện 11.032,9 tỷ đồng, tăng 79% với số tăng chi 4.874,5 tỷ đồng so với dự toán năm, chiếm tỷ trọng 47,9% tổng chi NSĐP, trong đó: Chi đầu tư xây dựng cơ bản ước thực hiện 9.232,1 tỷ đồng, tăng 99% với số tuyệt đối tăng 4.581,4 tỷ đồng so với dự toán năm (trong đó: ngân sách cấp tỉnh ước thực hiện 5.328,4 tỷ đồng, tăng 42,3% với số tuyệt đối tăng 1.586 tỷ đồng so với dự toán giao). Chi tiêu dùng thường xuyên: 10 tháng thực hiện 6.140,1 tỷ đồng, đạt 70% dự toán. Ước cả năm thực hiện 10.066,1 tỷ đồng, đạt 115% dự toán, (trong đó: ngân sách cấp tỉnh tăng 36,5%; ngân sách cấp huyện, cấp xã tăng 4,4% so với dự toán).

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022 đã được HĐND tỉnh quyết định, các ngành, các cấp, địa phương ở Thái Bình đang tiếp tục nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh đã đề ra. Giải pháp chủ yếu là tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số, quản lý chặt chẽ hoàn thuế. Đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu đạt mức cao nhất dự toán HĐND tỉnh giao.

Việc điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2022; vốn chương trình mục tiêu quốc gia (cả đầu tư và thường xuyên); vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương tổ chức điều hành chi NSĐP chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm, trong khả năng cân đối của NSĐP để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ chi quan trọng, đột xuất phát sinh; đảm bảo nguồn NSĐP để thực hiện các Chương trình mục tiêu, các chính sách an sinh xã hội đã ban hành. Trường hợp dự kiến giảm thu NSĐP so dự toán, chủ động thực hiện sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi, sử dụng dự phòng, nguồn kết dư và các nguồn lực hợp pháp của địa phương theo quy định (nếu có) để đảm bảo cân đối NSĐP.

Thái Bình cũng sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, góp phần hỗ trợ nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch; chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên.

Phạm Nguyễn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết