• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãi suất đã "dễ thở"

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra đánh giá cho thấy lạm phát trên thế giới có thể hạ nhiệt trong năm 2023 trước khi ổn định vào năm 2024.

Trong khi đó, theo Bloomberg, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tháng 10 và 11-2022 đã giảm so với đầu năm và được dự báo tiếp tục giảm vào năm 2023. Nguyên nhân bởi ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine và các ngân hàng trung ương tăng cường chống lạm phát, thị trường bất động sản suy giảm...

Ở trong nước, kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP tốt nhờ hàng loạt yếu tố hỗ trợ: xuất siêu đạt gần 11 tỉ USD; tỉ giá USD/VNĐ đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh vài tháng trước; lạm phát được kiểm soát. Một điểm sáng nữa là dù đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm so với cùng kỳ nhưng số tiền giải ngân thực vượt lên và ở mức tốt hơn các năm trước, đạt khoảng 19,7 tỉ USD trong 11 tháng.

Có thể thấy những khó khăn, thách thức trong thời gian qua hầu hết đến từ yếu tố bên ngoài thay vì từ nội tại của nền kinh tế. Trong đó, sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn đã tác động trực tiếp đến Việt Nam. Còn ở trong nước, vẫn có những yếu tố thuận lợi trên thị trường.

Từ tháng 9-2022 đến nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã từng bước kiểm soát những khó khăn xuất hiện trên thị trường tài chính, như lãi suất tăng, thiếu vốn tín dụng... Nhận thấy mấu chốt của vấn đề không phải do nền kinh tế thiếu vốn mà từ bất ổn trong cách sử dụng vốn của một số doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã kiểm soát uyển chuyển từng bước, không gây ra những cú sốc như giai đoạn 2011-2012. Mối lo lắng trên thị trường về hệ thống ngân hàng, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp, nhờ vậy từng bước được kiềm chế. Qua đó, những rủi ro của lãi suất, tín dụng cuối năm nay cũng sẽ dần được tháo gỡ vào năm tới.

Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, nhà nước đã kiểm soát và giải quyết gốc rễ của việc cung ứng vốn dưới chuẩn và tình trạng đầu cơ, từ đó từng bước đưa thị trường về sự vận hành thiết thực, ổn định. Điều này giúp cung ứng vốn cho nền kinh tế thực, nhất là đưa vốn tín dụng tới được các công ty sản xuất - kinh doanh, động lực quan trọng để kinh tế phát triển.

Đáng chú ý, lãi suất trong nước dự báo sẽ hạ nhiệt trong quý I/2023 và ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Nhiều ngân hàng thương mại đang lập kế hoạch sẵn sàng về chỉ tiêu cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh để ngay khi có hạn mức tín dụng dồi dào cho năm mới sẽ giải ngân kịp thời, khi đó dòng vốn sẽ bớt khó khăn. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp có thể ưu tiên tập trung vốn lưu động và cắt giảm những chi phí không cần thiết để giảm áp lực tài chính, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. 

Thái Phương ghi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...