Rủi ro bủa vây kinh tế thế giới
Giới quan sát đánh giá chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường không và đường biển.
Chiến sự ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến thương mại toàn cầu sụt giảm, đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao. Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra nhận định trên hôm 10-3, đồng thời cho biết điều này buộc IMF sẽ phải tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.
Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" công bố hồi tháng 1-2022, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay xuống còn 4,4% vì những rủi ro liên quan đến đại dịch Covid-19, lạm phát leo thang, gián đoạn chuỗi cung ứng và việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ. Báo cáo tiếp theo dự kiến sẽ có vào giữa tháng 4 nhưng bà Georgieva không tiết lộ con số sau khi được điều chỉnh.
Trả lời phỏng vấn đài CNBC, bà Georgieva cho biết IMF vẫn kỳ vọng về một quỹ đạo tích cực đối với kinh tế thế giới. Dù vậy, bà nhấn mạnh độ dài cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tốc độ tăng trưởng và tương lai của hợp tác đa phương, nhất là khi tác động của khủng hoảng này đang lan rộng trên thế giới. Chẳng hạn như lạm phát leo thang do xung đột buộc nhiều quốc gia siết chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh mẽ hơn so với dự báo trước đó.
Người dân đổ xăng tại TP Los Angeles, bang California - Mỹ hôm 10-3 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10-3 cảnh báo làn sóng trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Moscow sẽ khiến phương Tây bị thiệt hại do giá lương thực và năng lượng cao hơn.
"Họ đang đối mặt với tình trạng giá cả leo thang, lạm phát cao chưa từng thấy. Đây là hậu quả từ sai lầm của chính họ. Họ đang cố gắng đổ lỗi cho chúng ta dù chúng ta chẳng hề liên quan" - ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin đồng thời lưu ý rằng Nga là quốc gia sản xuất phân bón nông nghiệp lớn và sẽ có những hậu quả tiêu cực không thể tránh khỏi đối với thị trường lương thực thế giới nếu phương Tây tiếp tục gây vấn đề cho Nga. Nhà lãnh đạo này cũng thừa nhận Nga đang chịu tác động của các biện pháp trừng phạt nhưng nhấn mạnh Điện Kremlin sẽ giải quyết mọi vấn đề.
Giới quan sát đánh giá chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường không và đường biển.
Theo chuyên gia Dylan Alperin của Công ty Keelvar (Ireland), với việc 70% hàng hóa xuất khẩu Ukraine được phân phối bằng tàu thuyền, tình trạng tắc nghẽn tại eo biển Kerch đang trở nên tồi tệ hơn, nhất là khi Hải quân Nga phong tỏa các tuyến hàng hải trên biển Azov. Ngoài ra, nhiều khu vực trên biển Đen hiện rơi vào trạng thái "nguy hiểm hoặc không thể đi qua", Giám đốc điều hành Christian Roeloffs của Công ty Container xChange (Đức) khẳng định với đài CNBC.
Trong khi đó, nhiều công ty hậu cần cho biết giá cước vận tải hàng không đã tăng vọt kể từ khi Ukraine đóng cửa không phận với các chuyến bay dân sự. Theo chuyên gia Judah Levine của Công ty Freightos (Mỹ), những hãng hàng không khi né không phận Nga buộc phải lựa những tuyến đường bay thay thế dài hơn và điều này khiến chi phí nhiên liệu gia tăng. Ông Levine cho biết giá cước vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu của Chỉ số Hàng không Freightos đã tăng hơn 80% vào cuối tháng 2 và một vài hãng đã áp dụng phụ phí rủi ro chiến tranh.