Giá vàng hôm nay lại phá vỡ các đỉnh lịch sử, chuyên gia dự báo điều gì?
Vàng thế giới tăng qua mức kỷ lục khiến các đơn vị vàng trong nước sáng ngày 9/3 trở nên khó khăn đưa ra giá kim loại quý SJC.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC đã có dấu hiệu đảo chiều giảm trong ngày hôm qua (8/3), có lúc mỗi lượng vàng đã "bốc hơi" luôn 1,2 triệu đồng chỉ trong 15 phút. Chốt phiên giá vàng SJC điều chỉnh giảm từ 750.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/lượng tại các hệ thống kinh doanh trên toàn quốc.
Sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 70,25-72,07 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với chốt phiên hôm qua.
Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 70-72 triệu đồng/lượng, tăng 1.000.000 đồng/lượng chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 70-72 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất.
Các đơn vị kinh doanh vàng tỏ ra chần chừ trong việc đưa ra giá đầu ngày khi kim loại quý trên thị trường quốc tế tăng vọt trong đêm 8/3, phá vỡ mức kỷ lục trong lịch sử. Giá vàng thế giới ngày 9/3 tăng mạnh 40 USD/ounce, lên 2.047 USD/ounce so với chiều 8/3.
Trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 8/3), kim loại quý đã có phiên biến động khá mạnh trong biên độ gần 100 USD/ounce, lên mức cao kỷ lục 2.078 USD/ounce. Lực bán chốt lời của các nhà đầu tư khiến vàng lùi lại sau khi phá vỡ mức kỷ lục lịch sử đạt được vào tháng 8.2020.
Khi căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường vẫn ghi nhận biến động mạnh. Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga, giá dầu thô sau khi tăng xấp xỉ ngưỡng 131 USD/thùng đêm qua. Trong khi đó giá vàng thế giới đã tăng dựng đứng vượt đỉnh cũ 2.063 USD/oz và ghi nhận mức cao mới trong lịch sử.
Vàng tiếp tục tăng giá trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế với ước tính lên tới 1 nghìn tỷ USD. Cuộc xung đột này cũng khiến giá hàng hóa tăng vọt và lạm phát toàn cầu có thể tăng thêm 300 điểm phần trăm (3%) trong năm 2022.
Sau khi vượt ngưỡng kháng cự 2.000 USD/ounce, vàng thế giới có thời điểm chững lại do áp lực chốt lời. Tuy nhiên, vàng được dự báo có thể sẽ tăng tiếp nếu căng thẳng Nga-Ukraine còn leo thang.
Căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Giá năng lượng chưa có dấu hiệu ngừng đi lên. Đây là một yếu tố hỗ trợ rất mạnh cho mặt hàng kim loại quý.
Daniel Briesemann - nhà phân tích của Commezbank cho biết, kể từ khi cuộc chiến ở Ukraina bắt đầu, chỉ riêng các Quỹ hoán đổi danh mục vàng đã chứng kiến một dòng tiền lớn đổ vào kim loại quý này.
Edward Moya - nhà phân tích của Công ty Giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ) nhận xét chỉ trong vài tháng, thế giới đã từ việc "chê" vàng vì kỳ vọng sự phục hồi kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn, bây giờ trở nên lo lắng về rủi ro lạm phát và suy thoái kinh tế.
"Giá vàng sẽ tiếp tục tăng khi biện pháp trừng phạt từ phương Tây còn gây ra sự biến động dai dẳng lên nhiều loại hàng hóa khác, thúc đẩy lạm phát tăng cao" – ông Edward Moya nói.