• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia chỉ cách đầu tư bất động sản tối đa hóa lợi nhuận

Theo các chuyên gia, năm 2022 không phải là năm thuận lợi cho việc đầu tư lướt sóng và cũng không nên chờ có tiền mới đầu tư bất động sản.

Trong hai năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế nhìn chung có sự sụt giảm, các khoản đầu tư của người dân cũng trở nên hạn chế và dè chừng hơn rất nhiều. Song lượng tiền đổ vào đầu tư bất động sản vẫn không ngừng tăng lên trên khắp cả nước ở mọi phân khúc. Điều này là minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường bất động sản kể cả khi chịu nhiều tác động từ bối cảnh bên ngoài.

Theo ông Lê Quyết Thắng – Thành viên Hội đồng Quản trị Keller Williams Việt Nam, ở thế hệ 6x, người dân có tiền thường đi mua vàng nhưng từ thế hệ 7x trở đi, nhiều kênh đầu tư khác đã ra đời. Nổi bật trong số đó là kênh đầu tư bất động sản. 

“Bất động sản là kênh được đa số bộ phận người Việt có nhu cầu và mong muốn đầu tư vào khi có tiền. Đặc biệt trong vòng 30 năm trở lại đây, bất động sản liên tục tăng giá, chưa có dấu hiệu giảm, điều này đã tạo niềm tin lớn trong lòng nhà đầu tư.

Một đặc điểm nữa, bất động sản là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các ngành đầu tư cơ bản ở Việt Nam như cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi, vàng, đô la Mỹ.

Cụ thể, trong 5 năm gần đây, cổ phiếu tăng trung bình chung khoảng 19%, trái phiếu là 9,8%, tiền gửi là 6,2%, vàng là 6,1%, đô la Mỹ là 0,2%. Trong khi đó, bất động sản nhà đất tăng từ 19 - 20%. Vì vậy, không có lý gì người dân lại không chọn bất động sản để xuống tiền kiếm lời”, ông Lê Quyết Thắng cho biết.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận, đa số người dân, nhà đầu tư cá nhân đều đang hiểu rằng, bất động sản là kênh đầu tư tốt nhất trong vòng 20 năm gần đây. 

“Vàng, đô la, bất động sản đều là 3 kênh người dân Việt Nam ưa chuộng. Nhưng để chọn ra kênh giữ vị trí quán quân thì bất động sản vẫn là lựa chọn sáng giá nhất. Bởi vì bất động sản vừa là kênh đầu tư sinh lời cao, vừa là kênh bảo vệ tài sản an toàn. Đây là đặc tính thể hiện sự ưu việt hơn hẳn giữa đầu tư vào bất động sản so với các kênh khác. Vì vậy, khi dịch bệnh kéo đến, thị trường có nhiều biến động thì dòng tiền của nhà đầu tư vẫn đổ vào bất động sản như một kênh trú ẩn sinh lời”, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng khẳng định, không có câu chuyện đầu tư vào bất động sản do lạm phát. Bởi mức độ lạm phát của Việt Nam nhiều năm trở lại đây đang ở mức rất ổn định và phù hợp, hơn hết nếu lạm phát mới đầu tư vào bất động sản chứng tỏ nhà đầu tư không có lãi. Nhưng rõ ràng, nhà đầu tư vẫn có lãi, thậm chí là lãi rất nhiều khi đầu tư đúng cách vào thị trường này.

Không nên chờ có tiền mới đầu tư bất động sản

Là kênh đầu tư sinh lời cao, được đánh giá là an toàn dù thị trường bất động sản thời gian qua chịu nhiều tác động, song không phải nhà đầu tư nào cũng dễ dàng kiếm lời khi đổ tiền vào bất động sản.

Ông Lê Quyết Thắng cho rằng, để rủi ro ở mức tối thiểu và lợi nhuận đạt tối đa, nhà đầu tư cần nắm rõ những kiến thức cơ bản về thị trường bất động sản. Họ cần hiểu rõ tính thanh khoản của các phân khúc bất động sản, diễn biến thị trường cũng như những yếu tố đang và sẽ gây tác động đến thị trường bất động sản. 

Ngoài ra, nhà đầu tư cần xác định rõ 3 điều sau:

Thứ nhất là về tiêu chí: Khi đầu tư cần phải đưa ra bộ tiêu chí của bản thân một cách cụ thể để biết lợi nhuận kỳ vọng mình muốn đạt được là bao nhiêu, đầu tư trong mức giới hạn vốn là như thế nào, vị trí sản phẩm bất động sản đầu tư ra sao…

Thứ hai là về điều khoản: Điều khoản sẽ giúp nhà đầu tư tham gia đầu tư có sự kiểm soát và luôn trong kế hoạch vạch trước, tránh đầu tư theo cảm tính và bồng bột.

Thứ ba là về mạng lưới: Mạng lưới ở đây có thể hiểu là mối quan hệ với chuyên gia môi giới địa phương, chuyên gia kinh tế, người làm ngân hàng để giúp nhà đầu tư mua bán một cách dễ dàng và nhanh gọn khi cần. 

“Đại đa số người dân Việt Nam thường phải có 1 - 2 tỷ trong tay mới tham gia đầu tư bất động sản do tính an toàn. Tuy nhiên, ở các nước khác, người dân của họ có thể đầu tư bất động sản khi chỉ mới có 300 - 500 triệu quy ra tiền Việt Nam, thậm chí là đầu tư khi chưa có đồng nào, hay đầu tư từ lương”, ông Lê Quyết Thắng chia sẻ.

Ví dụ ở thời điểm hiện tại, ông Thắng cho rằng sử dụng đòn bẩy tài chính, vay lãi suất ngân hàng là rất hợp lý bởi các ngân hàng đang có chế độ vay vô cùng ưu đãi với lãi suất thấp nhất từ trước tới nay. Do đó, chỉ cần họ biết sử dụng đòn bẩy ngân hàng tốt, thì việc có trước bao nhiêu tiền để đầu tư không quan trọng

Ngoài ra, ông Thắng cũng đưa ra lời khuyên, đối với những nhà đầu tư chưa có vốn hay vốn ít nên đầu tư từ xa tới gần, từ vùng ven đến nội đô, từ tỉnh lẻ đến thành phố lớn. 

“Nhà đầu tư đừng coi thường giá trị tăng giá của các bất động sản vùng ven, vì điều này là hoàn toàn sai. Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam đang ở mức 35%/năm, nên Việt Nam có rất nhiều dư địa cho việc phát triển đô thị tại các vùng ven. Khi đó, giá bất động sản tại đây sẽ tăng chóng mặt và cụ thể trong tầm 10 năm trở lại đây cũng đang tăng một cách nhanh chóng”, ông Lê Quyết Thắng nhìn nhận.

Không nên đầu tư lướt sóng trong năm 2022

Theo TS. Đinh Thế Hiển, lướt sóng trong bất động sản là thuật ngữ chỉ việc đầu cơ, tìm kiếm cơ hội sinh lời cao trong ngắn hạn, dựa trên thông tin về các khu vực, sản phẩm có khả năng tăng giá nhanh trong tương lai.

Trong giai đoạn 2005 - 2006, việc đầu tư lướt sóng thường thu được lợi nhuận cao. Chỉ cần đăng ký được một suất mua căn hộ hay lô đất dự án rồi bán lại cũng có thể lãi gấp đôi tiền cọc, tức là gấp đôi vốn đầu tư. 

“Ở giai đoạn khi mà thông tin và hàng hóa còn ít như vậy thì lướt sóng đem lại siêu lợi nhuận”, chuyên gia cho biết.

Theo thời gian, thông tin thị trường bất động sản đã ngày càng minh bạch, việc đầu tư kiểu sang suất chốt cọc ngày càng ít đi, tuy nhiên vẫn chưa bị triệt tiêu. Trong bất động sản vẫn luôn có cơ hội cho lướt sóng, mặc dù lướt sóng giai đoạn này không còn dễ dàng mà phải dựa trên thông tin và sự quyết đoán của nhà đầu tư.

“Nếu chọn lướt sóng ở khu vực Bình Phước do thông tin quy hoạch sân bay thời gian qua thì dễ “lướt sóng hụt”, thông tin ảo nhưng vẫn nhiều người bị cuốn theo. Hay như La Gi là một khu vực có thể lướt sóng vì quy hoạch sẽ lên thành phố và có hạ tầng đang phát triển. Nhưng thời điểm nào La Gi chính thức lên thành phố, thời điểm nào các hạ tầng được đầu tư mạnh và thời điểm nào phù hợp để tạo sóng lại là dấu hỏi với các nhà đầu tư. Như vậy, lướt sóng là cơ hội dựa trên thông tin thật nhưng cần sự quyết đoán ở phía nhà đầu tư", chuyên gia phân tích.

Cũng dựa trên các thông tin thị trường, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, bất động sản năm 2022 không phải là thị trường phù hợp để lướt sóng. 

“Xu thế thị trường 2022 là xu thế tập trung vượt qua khó khăn. Chúng ta đang cố gắng khôi phục lại nền kinh tế nhưng lại gặp phải các chướng ngại là sự gia tăng số ca mắc COVID-19, làm cản trở việc hoàn toàn mở cửa với quốc tế, phục hồi thị trường. Giá xăng dầu tăng mạnh cũng sẽ khiến cho lạm phát tăng. Lạm phát có thể làm gia tăng đầu tư bất động sản nhưng về vĩ mô sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng tới đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, giá bất động sản của nhiều khu vực đã tăng rất mạnh trong nhiều năm và cần giai đoạn đi ngang để tích lũy giá trị, ở những vùng mà giá cả đã tăng hơn giá trị. Vì vậy, năm 2022 nhìn chung không phải là năm thuận lợi cho lướt sóng bất động sản”, ông Hiển nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, vẫn sẽ có những khu vực tiềm năng do hưởng lợi từ hạ tầng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc miền Tây: “Những con đường cao tốc luôn “tạo sóng” cho các khu vực có giá đất chưa cao. Bên cạnh đó, những dự án khu công nghiệp cũng sẽ “tạo sóng” cho bất động sản khu vực xung quanh như chúng ta đang quan sát hiện nay tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...