Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga?
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11-3 dự kiến kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Thông tin trên do hai nguồn tin tiết lộ với Reuters. Quyết định chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga sẽ dọn đường cho việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của nước này.
Reuters bình luận đây là bước leo thang mới nhất của Mỹ và các đồng minh nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến dịch quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Moscow gọi đó là "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Theo một quan chức chính quyền Washington cấp cao, Quốc hội Mỹ cần phải can thiệp nếu muốn xóa bỏ quy chế "Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" với Nga. Các nghị sĩ tại lưỡng đảng Mỹ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với một động thái như vậy.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
Các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây - được đánh giá là chưa từng có đối với các ngân hàng và giới tinh hoa của Nga - cùng với việc kiểm soát xuất khẩu đã khiến nền kinh tế Nga suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Nga sẽ rơi vào "cuộc suy thoái sâu" trong năm nay.
Trước đó, ngày 8-3, Tổng thống Biden đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng của Nga, có hiệu lực ngay lập tức.
Thượng viện Mỹ ngày 10-3 cũng thông qua dự luật tài trợ của chính phủ trị giá 1,5 ngàn tỉ USD, bao gồm 13,6 tỉ USD viện trợ bổ sung cho Ukraine trong một cuộc bỏ phiếu đạt 68 phiếu thuận/31 phiếu chống. Dự luật đang chờ Tổng thống Biden ký duyệt.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki gửi lời cảm ơn các nhà lãnh đạo Thượng viện đã "hoàn thành dự luật này" và cho biết Tổng thống Biden "sẵn sàng ký thành luật". "Với những nguồn lực này, chúng tôi có thể ủng hộ người dân Ukraine để họ bảo vệ đất nước và nền dân chủ của mình" - bà Psaki nói.
Đài ABC News cho biết khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine sẽ được chia thành tài trợ quốc phòng và tài trợ phi chính phủ.