• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên minh châu Âu loại 7 ngân hàng của Nga khỏi SWIFT

Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/3 đã loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, do các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Liên minh châu Âu công bố 7 ngân hàng của Nga bị loại khỏi SWIFT

Theo đó, 7 ngân hàng bị loại khỏi SWIFT gồm Ngân hàng VTB - ngân hàng lớn thứ 2 của Nga, Ngân hàng Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Ngân hàng Rossiya, Sovcombank và VEB (Vnesheconombank).

Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Một quan chức cấp cao của EU giải thích các ngân hàng có trong danh sách này được lựa chọn dựa trên mối quan hệ với Chính phủ Nga, trong đó các ngân hàng công đã chịu các lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Đáng chú ý, danh sách trên không nêu tên hai ngân hàng lớn của Nga là Sberbank và Gazprombank, vì đây là những kênh thanh toán chính cho dầu khí của Nga, mặt hàng mà các nước EU vẫn đang phải nhập khẩu bất chấp mâu thuẫn hiện tại.

Được biết, sau khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ và EU đã công bố hàng loạt lệnh trừng phạt tài chính khắc nghiệt nhằm cô lập, bóp nghẹt nền kinh tế Nga về lâu dài. Trong đó, lá bài trừng phạt chiến lược là loại Nga khỏi SWIFT đã chính thức được tung ra.

Cụ thể, ngày 26/2, EU, Mỹ, Anh và Canada đã quyết định chặn một số ngân hàng nhất định của Nga khỏi SWIFT, nhưng lúc đó các nước này không cho biết những ngân hàng nào bị ảnh hưởng.

SWIFT được thành lập tại Brussels (Bỉ) năm 1973 và được hỗ trợ bởi 239 ngân hàng tại 15 quốc gia. SWIFT cho phép các tổ chức tài chính và ngân hàng trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy. Năm 2021, SWIFT nhận trung bình 42 triệu tin nhắn cho phép thanh toán mỗi ngày. 

Đến nay, SWIFT có khoảng 11.000 thành viên và không có "đối thủ xứng tầm" trên toàn cầu. Cả Trung Quốc và Nga đều đã phát triển các hệ thống thay thế SWIFT.

Trung Quốc vẫn khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS do nước này xây dựng, trong khi Nga đã thiết lập hệ thống nhắn tin liên ngân hàng của riêng mình là SPFS.

Dù vậy, SWIFT vẫn được sử dụng cho khoảng 70% các giao dịch thanh toán trong nước Nga.

Một số chuyên gia cho rằng, việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ không đồng nghĩa với việc cắt đứt liên hệ của Nga với nền kinh tế toàn cầu như những ý kiến đề xuất trừng phạt dự tính. Hơn thế, nó có thể gây phản ứng ngược.

Đối với các diễn biến hiện nay của cuộc chiến tại Ukraine, trong ngày 1/3, Nghị viện châu Âu đã có cuộc họp bàn về tình hình và thảo luận trực tuyến cùng Tổng thống Ukraina, ông Volodymyr Zelenskyi. Phía châu Âu tuyên bố tiếp tục nỗ lực trợ giúp Ukraine. Bên cạnh khoản tiền 450 triệu euro tài trợ cho Ukraina mua vũ khí, châu Âu cho biết chi thêm trên 500 triệu euro hỗ trợ nhân đạo cho nước này.

Tuy nhiên, đối với yêu cầu từ phía Ukraine muốn được ngay lập tức kết nạp làm thành viên Liên minh châu Âu, nhiều quan chức cấp cao châu Âu trong ngày 1/3 đã phản ứng thận trọng hơn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cho biết, mặc dù châu Âu sẽ nghiêm túc thảo luận về đề nghị của Ukraine nhưng thừa nhận rằng, trong nội bộ EU vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều và tiến trình đưa Ukraine gia nhập EU cần phải mất nhiều năm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết